Năm 1858, Pháp đã nổ súng tấn công Đà Nẵng. Đến ngày 6 tháng 6 năm 1884, bằng Hòa ước Giáp Thân, Việt Nam bị đặt dưới quyền đô hộ của thực dân Pháp. Từ năm 1888, Pháp đã gạt ảnh hưởng của Triều Nguyễn ra khỏi đời sống chính trị Tây Nguyên nói chung và địa bàn Kon Tum nói riêng. Ngày 16-10-1898, Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ là Boulloche đã đưa ra yêu sách chính trị đòi triều đình Huế phải để cho Pháp phụ trách các vấn đề chính trị, an ninh quốc phòng và kinh tế toàn vùng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Trước áp lực mạnh mẽ về quân sự của Pháp, năm 1899, triều đình Huế buộc lòng phải nhượng bộ chúng. Kể từ đó, toàn bộ vùng dân cư các dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên đều thuộc quyền cai trị trực tiếp của thực dân Pháp. Để áp đặt bộ máy cai trị, thực dân Pháp đã triển khai ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng nhiều chính sách rất thâm độc về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Liên tục dùng quân sự đàn áp, dùng thủ đoạn chính trị mua chuộc, từ Chiến tranh thế giới thứ nhất đến những năm 20 của thế kỷ XX, thực dân Pháp đã đặt được bộ máy cai trị ở tỉnh Kon Tum.
Dưới ách áp bức, bóc lột tàn nhẫn của chế độ thực dân, đời sống của các thành phần cư dân ở tỉnh Kon Tum bần cùng, kiệt quệ. Tuy nhiên, cho dù bọn thực dân dùng đủ mọi chiêu bài để áp đặt ách cai trị, nhưng chúng luôn vấp phải sự đấu tranh liên tục của đồng bào các dân tộc khắp các vùng nông thôn, rừng núi. Có thể nói, cho đến năm 1930, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Kon Tum, không phân biệt Kinh, Thượng, công nhân, nông dân, người lao động, viên chức, trí thức, cũng như các tầng lớp cư dân khác, sớm hay muộn đều nhận thấy bộ mặt thật của đế quốc thực dân cướp nước và bè lũ Việt gian bán nước là kẻ thù chung của dân tộc Việt Nam và cũng là kẻ thù chung của các dân tộc ở tỉnh Kon Tum. Mâu thuẫn dân tộc giữa các thành phần cư dân ở tỉnh Kon Tum với bọn thực dân Pháp trở thành mâu thuẫn chính và ngày càng gay gắt. Từ đó, nguyện vọng thiết tha nhất của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum là lật đổ ách thống trị thực dân, phong kiến, giành độc lập, dân chủ. Vì thế, suốt thời gian bị đô hộ, đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đã liên tục chiến đấu, kiên cường bất khuất, không sợ hy sinh gian khổ, nhằm vào kẻ thù chính là bọn đế quốc thực dân xâm lược và tay sai phong kiến. Nhưng phong trào đấu tranh thường xuyên bùng lên rồi bị thực dân Pháp đàn áp thất bại do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan chưa chín muồi, điều kiện tự nhiên khó khăn, lực lượng xã hội chưa phát triển. Đặc biệt, chưa có một tổ chức mang sức mạnh của thời đại mới để lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đứng dậy đấu tranh theo một đường lối đúng đắn.
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là sản phẩm của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt được Hội nghị thành lập Đảng thông qua đã xác định đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội gắn liền với nhau thể hiện ở mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sau khi ra đời, Đảng ta đã phát động một cao trào cách mạng chống đế quốc thực dân, phong kiến rộng lớn trên quy mô cả nước, đó là cao trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô viết – Nghệ Tĩnh. Mặc dù cuối cùng bị thực dân Pháp dìm trong biển máu, nhưng cao trào đã gióng lên hồi chuông báo động, làm thức tỉnh các tầng lớp nhân dân, với sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức theo ý thức hệ tư tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Kon Tum là tỉnh miền núi xa xôi, hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn, gần như biệt lập, nên hầu như không chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng ở các tỉnh đồng bằng. Khi thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị ở tỉnh Kon Tum, chúng xây dựng nhà tù với mục đích giam giữ những ai chống đối chính sách cai trị của chính quyền sở tại. Nhưng sau cao trào cách mạng 1930-1931, với âm mưu dùng rừng thiêng, nước độc để giết dần, giết mòn những người cộng sản, cách ly họ với phong trào cách mạng ở các tỉnh đồng bằng. Tháng 6 năm 1930, thực dân Pháp đưa người tù chính trị đầu tiên là đồng chí Ngô Đức Đệ - đảng viên Tân Việt cách mạng Đảng (sau này là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam) từ nhà lao Hà Tĩnh lên giam cầm ở nhà lao Kon Tum. Từ đó trở đi, tù nhân chính trị bị đày lên nhà lao Kon Tum ngày thêm nhiều.
Thực dân Pháp đày các tù nhân cộng sản có án nặng, trong đó có đồng chí Ngô Đức Đệ lên giam tại phòng biệt giam của nhà lao Kon Tum, bên cạnh phòng làm việc của quản lao để dễ bề giám sát chặt chẽ, thường xuyên người tù chính trị mà chúng cho là nguy hiểm. Nhưng sự ''gần'' ấy đã đưa đến kết cục mà bọn đế quốc thực dân Pháp không thể ngờ tới. Các tù nhân chính trị cộng sản ''đã biến các rủi thành cái may'' tìm mọi cách tuyên truyền cảm hóa các ông đội, ông cai, binh lính cầm súng trong hàng ngũ địch thành những người yêu nước tiến bộ, rồi đến với Đảng và trở thành người cộng sản. Quá trình cảm hóa tuyên truyền đã diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng. Người đầu tiên trong số đó ở nhà lao Kon Tum là Huỳnh Đăng Thơ (là đội Thơ hay còn gọi là đội Phụng), ngày 10-9-1930 tổ chức tuyên bố kết nạp Huỳnh Đăng Thơ (đội Thơ) vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại một địa điểm ngay trong nhà lao Kon Tum. Đó cũng là người đảng viên cộng sản đầu tiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh Kon Tum. Sau đó tổ chức tiếp tục giác ngộ và kết nạp Huỳnh Liễu (cai Liễu), Nguyễn Cừ (cai Cừ) vào Đảng Cộng sản.
Ngày 25- 9-1930, Chi bộ Đảng Cộng sản trong binh lính nhà lao Kon Tum được thành lập (còn gọi là Chi bộ binh) gồm bốn đảng viên: Ngô Đức Đệ, Huỳnh Đăng Thơ (đội Thơ hay đội Phụng), Huỳnh Liễu (cai Liễu), Nguyễn Cừ (cai Cừ), do đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư. Đồng chí Đệ là người có công lập ra tổ chức đảng cộng sản đầu tiên ở tỉnh Kon Tum. Đây là sự kiện quan trọng của phong trào cách mạng ở tỉnh Kon Tum. Chỉ trong vòng nửa năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ở tỉnh Kon Tum đã ra đời một chi bộ đảng. Sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc vận động, tuyên truyền, phát động phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum dưới sự lãnh đạo của Đảng đầu những năm 1930 và về sau. Ngày 25-9-1930 - ngày ra đời của Chi bộ đảng đầu tiên ở Kon Tum đã trở thành Ngày Kỷ niệm truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum1.
Sau sự ra đời của Chi bộ binh, đầu năm 1931 Chi bộ đường phố tại thị xã Kon Tum được thành lập gồm có 3 đảng viên, do đồng chí Lê Hữu Thiêm làm Bí thư. Chi bộ binh và Chi bộ đường phố gắn bó hoạt động, thường xuyên liên lạc với nhau và đã hai lần liên lạc được với cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ. Điều đó đã giúp cho các Chi bộ hoạt động đơn tuyến gắn được với phong trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi khắp nơi trong nước, nắm bắt được chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng. Tuy nhiên, do chính sách đàn áp, khủng bố của thực dân Pháp, đến giữa năm 1931, Chi bộ binh và Chi bộ đường phố đều bị tan rã. Từ đó cho đến lúc Cách mạng Tháng Tám thành công, Kon Tum không có sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng Cộng sản. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng 2 Chi bộ này đã làm cho tư tưởng cộng sản lan tỏa và thấm sâu vào đời sống nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum thông qua quá trình hoạt động truyền bá không ngừng nghỉ của các chiến sỹ cách mạng.
Ngày 25-8-1945, Kon Tum hoàn thành việc giành chính quyền về tay cách mạng, nhưng vẫn chưa có tổ chức Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo. Trước tình hình đó, giữa tháng 10-1945, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương tăng cường cán bộ lên tỉnh Kon Tum, tạo điều kiện xây dựng thực lực cách mạng của quần chúng và chuẩn bị cho sự ra đời tổ chức đảng, trong số đó có đồng chí Võ Thị Hồng Sâm (tức Nguyễn Thị Sâm) ở Gia Lai, đồng chí Xuân Lẫm ở Phú Yên được điều động lên công tác tại tỉnh Kon Tum. Đến cuối năm 1945, trên cơ sở số đảng viên được tăng cường và các đảng viên mới kết nạp, Chi bộ Đảng ở tỉnh Kon Tum đã được thành lập gồm 6 đồng chí, do đồng chí Võ Thị Hồng Sâm (tức Nguyễn Thị Sâm) làm Bí thư. Sau đó Chi bộ phát triển thêm đảng viên và thành lập thêm một chi bộ trong lực lượng vũ trang do đồng chí Lê Tự Thắng làm Bí thư. Đầu tháng 2-1946, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập gồm 4 thành viên là đồng chí Võ Thị Hồng Sâm, phụ trách công tác thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Lê Văn Đức, phụ trách quân sự; đồng chí Lê Tự Thắng, chính trị viên, phụ trách công tác chính trị, đồng chí Trần Lung, Xứ ủy viên làm Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp phụ trách chính quyền. Qua thời gian xây dựng và phát triển, ngày 09-3-1960, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ I đã được tổ chức tại núi Ngọc Linh, làng Mô Gia (nay thuộc xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông). Có 33 đại biểu thay mặt cho 524 đảng viên và 82 chi bộ trong toàn tỉnh về dự. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ đầu tiên gồm 13 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 4 đồng chí Đồng chí Trần Kiên được bầu làm Bí thư.
Để thực hiện vai trò lãnh đạo và xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, từ năm 1960 đến nay, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã trải qua 15 kỳ đại hội. Trong mỗi kỳ Đại hội, luôn chú trọng kiểm điểm, đánh giá chính xác tình hình thực hiện sự lãnh đạo của Đảng bộ và công tác xây dựng Đảng trong thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhà. Qua thực tiễn 90 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành kể từ ngày chi bộ đầu tiên (Chi bộ binh) ra đời, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã khẳng định được vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum giành được những thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần cùng với nhân dân cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ năm 1975 đến nay, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị - xã hội ổn định, tạo tiền đề xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định và phát triển bền vững.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ tỉnh Kon Tum không ngừng được tôi luyện, trưởng thành và đã xây dựng nên những truyền thống quý báu, thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng bộ. Đó là: Bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn bó mật thiết với nhân dân các dân tộc; kiên định nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng bộ; giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế...
Những truyền thống quý báu đó là kết quả của quá trình vun trồng, xây đắp bền bỉ, là sự hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ đảng viên của Đảng bộ tỉnh Kon Tum. Những truyền thống đó có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần cách mạng triệt để, trình độ trí tuệ ngày càng được nâng cao của Đảng bộ tỉnh. Học tập, nghiên cứu lịch sử và truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum để tự hào về Đảng bộ và góp phần giữ vững, kế thừa, phát huy những truyền thống đó, làm cho Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới./.
1 Thông báo số 59-TB/TU ngày 17-3-2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum: Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chọn ngày kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh và ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn