ĐẤU TRANH BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG, PHẦN TỬ CƠ HỘI CHÍNH TRỊ LỢI DỤNG VẤN ĐỀ “DÂN TỘC”, “TÔN GIÁO” ĐỂ CHỐNG ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA
TCT KonTum
2024-02-06T10:15:48+08:00
2024-02-06T10:15:48+08:00
//m88link.cc/vi/news/nghien-cuu-trao-doi/dau-tranh-bac-bo-luan-dieu-cua-cac-the-luc-thu-dich-phan-dong-phan-tu-co-hoi-chinh-tri-loi-dung-van-de-dan-toc-ton-giao-de-chong-dang-nha-nuoc-ta-315.html
//m88link.cc/uploads/news/source/baovenentang.png
M88 Link
//m88link.cc/uploads/banners/baner-chu-2022.jpg
Thứ sáu - 05/01/2024 15:36
Nguồn tin: Th.S Bùi Văn Nhì- GV khoa XDĐ
Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam ta đổi mới, vươn lên mạnh mẽ, có vị thế nhất định trên trường quốc tế song các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị vẫn điên cuồng chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”. Những luận điệu các thế lực thù địch rêu rao dù có nguy hiểm nhưng với thực tiễn phát triển toàn diện đất nước, nhất là trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo cho ta thấy rõ các luận điệu của chúng là sự xuyên tạc trắng trợn và vô căn cứ.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới trên nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Sau khi Đảng ta thực hiện đổi mới (từ Đại hội VI, 1986), rất nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế có mối liên hệ và hợp tác với Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ chính sách ngoại giao “cây tre” khôn khéo, tranh thủ được khoa học công nghệ và sự ủng hộ của quốc tế, nền kinh tế của nước ta ngày càng khởi sắc, vị thế chính trị cũng từng bước được khẳng định.
Mặc dù chịu ảnh hưởng, tác động không nhỏ của bối cảnh khu vực và thế giới nhưng trong hơn 35 năm qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu vĩ đại của sự nghiệp đổi mới, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào con đường mà Đảng đã chọn.
Tuy nhiên, với mục tiêu tạo ra sự khủng hoảng về lý tưởng chính trị, làm suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó làm chệch hướng và sụp đổ chế độ chính trị, từng bước thay thế chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh bằng ý thức hệ tư bản chủ nghĩa, trong thời gian qua các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn tìm mọi biện pháp, phương tiện điên cuồng chống phá ta (trong chiến lược diễn biến hòa bình). “Chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng ta, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm”[1]. Chúng lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ nghe nhìn, dựa vào những sai lầm trong thực thi chính sách của cán bộ, đảng viên, công chức để xuyên tạc, bôi xấu chế độ. Bên cạnh đó, chúng còn dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo, kích động một bộ phận người dân thiếu hiểu biết hoặc bất mãn với chính quyền để xây dựng lực lượng chống đối trong nước.
Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị này chống phá ta trên nhiều mặt trận và ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội với các phương pháp từ trực diện đến ngầm, mềm, sâu. Xuyên suốt chiến lược diễn biến hòa bình, vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” luôn là một trong những vấn đề được các thế lực tập trung chống phá. Bởi, “dân tộc”, “tôn giáo” luôn là vấn để nhạy cảm trong cả quá khứ và hiện tại, không chỉ ở nước ta mà còn ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Chúng đã xác định lấy vấn đề dân tộc kết hợp với vấn đề tôn giáo để làm ngòi nổ, kích động quần chúng nhân dân (đồng bào các dân tộc thiểu số - nhận thức chưa cao và tín đồ các tôn giáo – có đức tin bền vững) hòng tạo ra bạo loạn chính trị tiến tới xóa bỏ chế độ chính trị ở nước ta. Bài học kinh nghiệm các vụ việc ở Tây Nguyên (năm 2001 và 2004), Tây Bắc (Mường Nhé, Điện Biên năm 2011), Formosa Hà Tĩnh năm 2016 và nhiều vụ việc khác đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Trong việc lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để chống Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị thường đưa ra các luận điệu như: Quyền của người dân tộc thiểu số không được đảm bảo, đời sống của đồng bào ngày càng khó khăn, bị người Kinh và các nông – lâm trường chiếm đất; Vu cáo cho Đảng, Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, bóp nghẹt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (thông qua việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo – trước đây là Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy định khác trong đó có Luật An ninh mạng); chỉ một số tôn giáo “thuần phục” nhà nước mới dễ bề hoạt động, các tôn giáo có tư tưởng tự do, có liên hệ với bên ngoài thì bị làm khó… (qua rất nhiều bài viết trên các website của đài BBC (Tiếng Việt), RFA, VOA,… hay các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube, blog,…) của các tổ chức phản động, các cá nhân có tư tưởng chống đối, thù địch).
Thực tế là, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách dân tộc luôn nhất quán theo nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển”. Nghị quyết 24-NQ/TW (2003) Về công tác dân tộc, xác định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết chống mọi âm mưu chia rẽ dân tộc,…”[2].
Đại hội XII (năm 2016) nêu rõ: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc, nghiêm trị những âm mưu hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”[3]. Văn kiện Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng nêu rõ: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Huy động, phân bố, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thức đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[4].
Trong thời kỳ đổi mới, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta tập trung vào các nội dung cơ bản là: Chính sách về phát triển kinh tế vùng các dân tộc thiểu số nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào các dân tộc, gắn với kế hoạch phát triển chung của cả nước, đưa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cùng cả nước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chính sách xã hội tập trung vào các vấn đề giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế... nhằm nâng cao năng lực, thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tạo tiền đề và các cơ hội để các dân tộc có đầy đủ các điều kiện tham gia quá trình phát triển, trên cơ sở đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào; Chính sách liên quan đến quốc phòng - an ninh, nhằm củng cố các địa bàn chiến lược, giải quyết tốt vấn đề đoàn kết dân tộc và quan hệ dân tộc trong mối liên hệ tộc người, giữa các tộc người và liên quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa. Hiện nay có khoảng gần 120 chính sách dân tộc còn có hiệu lực đã bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như: đầu tư kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, pháp luật, hệ thống chính trị…
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, trong những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội vùng dân tộc đã có những chuyển biến quan trọng, quyền bình đẳng giữa các dân tộc ngày càng được thể chế hóa và thực hiện trên thực tế các lĩnh vực của đời sống. Sau khi nhiều chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống, diện mạo kinh tế các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển, an sinh xã hội ngày càng được cải thiện. Đến năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4 - 5%/năm; Sản xuất công - nông - lâm - ngư nghiệp vùng dân tộc thiểu số và miền núi có sự phục hồi, phát triển khá toàn diện cả về năng xuất, chất lượng, sản lượng; chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Hệ thống thương mại dịch vụ tiếp tục được mở rộng, tạo điều kiện cho đồng bào giao lưu hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm và đạt tốc độ tăng trưởng cao[5]. Các Chương trình Mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh; Đảng, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu như: giao thông, nước cho sinh hoạt và sản xuất, điện, thông tin liên lạc, trạm y tế, các thiết chế văn hóa, trường học đã làm bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng khởi sắc.
Sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho các dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ, đạt nhiều thành tựu đáng kể. Đến nay, chúng ta đã cơ bản xóa mù chữ và phổ cập giáo dục bậc tiểu học, trung học cơ sở; các loại hình trường nội trú, bán trú phát triển, chính sách cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ tạo điều kiện cho con em các dân tộc thiểu số hưởng thụ nền giáo dục quốc dân, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
Các thiết chế văn hóa trong vùng dân tộc được quan tâm đầu tư xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc được quan tâm, chú trọng. Các Đoàn Nghệ thuật dân tộc xây dựng nhiều chương trình biểu diễn phục vụ đồng bào; ngày hội văn hóa của các dân tộc và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam được tổ chức thường xuyên…
Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe vùng dân tộc thiểu số được cải thiện, góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng và chất lượng dân số; đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí và hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định; mạng lưới y tế ở vùng dân tộc thiểu số được quan tâm phát triển.
Ngoài ra, trong giai đoạn đại dịch Covid – 19 hoành hành, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương trong cả nước còn huy động các nguồn lực xã hội, trao hàng nghìn phần quà cho các hộ nghèo là gia đình dân tộc thiểu số, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, học sinh dân tộc thiểu số nghèo vượt khó và người lao động gặp khó khăn. Theo tổng hợp của UBTƯ MTTQ Việt Nam, đến tháng 10/2021, Trung ương các tổ chức thành viên và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố, Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19, tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được là 20.646,4 tỷ đồng. Hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phân bổ 3.860.048 phần quà Đại đoàn kết và túi quà an sinh và hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch… với trị giá là 10.343 tỷ đồng; Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 cũng đã chi 7.044 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Về vấn đề “tôn giáo”, Đảng ta đã khẳng định “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, các tôn giáo cùng tồn tại trong lòng dân tộc và bình đẳng trước pháp luật. Đến nay, Nhà nước ta đã công nhận 41 tổ chức tôn giáo của 16 tôn giáo khác nhau với khoảng 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước.
Trong lịch sử xây dựng đất nước, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta đã luôn thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan quan đến tôn giáo trong từng giai đoạn cách mạng luôn kịp thời, phù hợp, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo để xây dựng và phát triển đất nước. Ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ tuyên bố “tín ngưỡng, tự do và lương - giáo đoàn kết”. Và cũng ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được Hiến định tại điều 10.
Các bản Hiến pháp sau này, vấn đề đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được nhắc đến và khẳng định. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được hoàn thiện theo hướng tiệm cận luật pháp quốc tế và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia thành viên, nhằm đảm bảo cho mọi người được thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng tốt hơn trên thực tế và được bảo đảm bằng các văn bản pháp luật như: Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH11 quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 1940/CT-TTg về nhà đất liên quan đến tôn giáo…. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”[9]. Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân…
Theo các số liệu thống kê (dẫn trong cuốn Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam do Ban Tôn giáo Chính phủ biên soạn, xuất bản năm 2022), từ năm 2018 - 2021, chúng ta đã cấp phép xuất bản 2.027 ấn phẩm với trên 7 triệu bản in, trong đó có nhiều xuất bản phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp, tiếng các dân tộc và có 15 tờ báo, tạp chí của các tôn giáo đang hoạt động. Cũng trong năm 2022, chính quyền các cấp đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 486 cơ sở thờ tự tôn giáo, tăng 60 cơ sở so với năm 2021; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 183 điểm nhóm; chấp thuận cho 646 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 3.238 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; 424 chức việc các tôn giáo được thuyên chuyển theo đúng Hiến chương, điều lệ …
Đặc biệt, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được quan tâm và đảm bảo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu đào tạo của tu sỹ Phật giáo Nam Tông Khmer. Kinh sách của các tổ chức tôn giáo đã được phép xuất bản bằng 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số với hàng nghìn ấn bản đã phát hành.
Ở nước ta cũng không có xung đột tôn giáo. Các tôn giáo chung sống hòa hợp, gắn bó đồng hành với dân tộc. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước…
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật, trục lợi vì mục đích cá nhân, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Rất nhiều vụ án, vụ việc liên quan đến tôn giáo đã xử lý, ra bản án đúng người, đúng tội, có sức răn đe.
Như vậy, sau hơn 35 năm đổi mới, cùng với những thành tựu rực rỡ mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đạt được, bên lề đất nước vẫn còn đâu đó những kẻ thù địch, cơ hội chính trị ngày đêm chống phá với nhiều luận điệu xuyên tạc, sai trái. Tất nhiên, như những chiến thắng lừng lẫy của dân tộc trong lịch sử, cuộc chiến chống lại các thế lực thù địch hiện nay, dù trên mặt trận nào, nhân dân ta, đất nước ta cũng sẽ giành những thắng lợi quyết định, Việt Nam sẽ vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (2020), Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật – Nxb Trẻ, Hà Nội, tr.17
Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 62, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.48
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2016), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, website //tulieuvankien.dangcongsan.vn/ (truy cập ngày 01-6-2023)
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.170-171
Ủy ban dân tộc (2022), Báo cáo Kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, Tài liệu Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác dân tộc năm 2022
Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 62, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.60
Ban Tôn giáo Chính phủ (2022), Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 7, 8
Quốc hội (2021), Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.21