Sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược lần thứ hai, thực dân Pháp liên tiếp nhận thất bại. Trên khắp các chiến trường, lực lượng kháng chiến của quân và dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày càng lớn mạnh, từ tình thế khó khăn, đã nhanh chóng phát triển, giành được thế chủ động, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở Tây Nguyên, Liên Khu V, vùng Cao - Bắc - Lạng và nhiều khu vực ở đồng bằng Bắc Bộ… Cuộc chiến tranh ở Đông Dương đã khiến nước Pháp rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện và để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp ngày càng phụ thuộc nhiều vào sự viện trợ của Đế quốc Mỹ.
Với hy vọng tìm ra lối thoát cho quân đội viễn chinh Pháp, ngày 7-5-1953, Pháp cử Đại tướng Hăng-ri Na-va sang làm làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sau một thời gian nghiên cứu tình hình, ngày 24-7-1954, Na-va đã trình bày kế hoạch quân sự mới cho quân đội Pháp ở Đông Dương trước Hội đồng quốc phòng Pháp. Sau khi được thông qua, kế hoạch được mang tên của chính ông ta - Kế hoạch Na-va. Na-va đề ra kế hoạch tổng quát về chính trị, quân sự nhằm đảo ngược tình thế. Về quân sự, kế hoạch Na-va xác định: giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở Bắc vĩ tuyến 18, tránh đương đầu với quân chủ lực của ta; xây dựng khối cơ động chiến lược để đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực của ta; trong hai năm 1953 - 1954 thực hiện phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tiến công chiến lược ở miền Nam, tấn công chiếm đóng vùng tự do Liên khu V. Về chính trị, khi nắm được ưu thế về lực lượng cơ động, từ mùa thu 1954 sẽ tập trung tấn công trên chiến trường Bắc bộ tạo nên một cục diện có lợi để kết thúc chiến tranh.
Cuộc hành binh Át-lăng là một phần của bước một Kế hoạch Na-va (hay còn gọi là cuộc hành quân, chiến dịch Át-lăng), theo tướng Na-va cho biết vốn đã được tướng Xa Lăng (Salan), Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương (1/1952-5/1953) đề xuất về ý tưởng trong một bản kiến nghị vào tháng 5/1953, đã trở thành một nội dung trong kế hoạch Na-va và được chuẩn bị ráo riết từ cuối năm 1953, dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/1954, chia làm 3 bước:
Bước thứ 1: mang mật danh “Arêtút” (Arétthuse) sử dụng 25 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn công binh và 3 đơn vị pháo binh, sử dụng 22 tiểu đoàn, đổ bộ từ biển lên, từ Khánh Hòa đánh ra, từ Đắk Lắk đánh xuống, chiếm thị xã Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên, thời gian kéo dài từ 20 đến 25 ngày trong tháng 1/1954.
Bước thứ 2: mang mật danh “Axen” (Axelle) sau khi đánh chiếm tỉnh Phú Yên sẽ tăng quân đánh chiếm Quy Nhơn và tỉnh Bình Định, tiến hành vào đầu tháng 3/1954 và kéo dài 2 tháng.
Bước thứ 3: mang mật danh “Atila” (Attila), tập trung lực lượng từ Quảng Nam đánh vào, từ Bình Định đánh ra, Kon Tum đánh xuống và từ biển đánh lên, hợp điểm tại thị xã Quảng Ngãi, hoàn thành mục tiêu đánh chiếm vùng tự do Liên khu V; thời gian bắt đầu từ tháng 5/1954, kéo dài 2 tháng với lực lượng 45 tiểu đoàn bộ binh và 8 đơn vị pháo binh.
Cuộc hành binh này được mang mật danh “4.A" (4 chữ A) chữ A thứ nhất là Atlăng - tên của cuộc hành binh và 3 chữ A tiếp theo là “Arêtút", “Axen” “Atila” - các bước của cuộc hành binh.
Với cách mạng Việt Nam, để đối phó với kế hoạch Na-va, trên cơ sở báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, tháng 9-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp và đi đến nhận định: “Kế hoạch Na-va tuy có thể gây cho ta những khó khăn mới, nhưng bản thân nó có nhiều mâu thuẫn và có nhược điểm lớn”1; đồng thời quyết định nhiệm vụ chiến lược trong Đông - Xuân 1953-1954: "chỉ sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thế đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong khi đó đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch và tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để cho chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ”2. Mục tiêu kế hoạch tác chiến chiến lược trong Đông - Xuân 1953-1954 được Trung ương Đảng xác định: đánh bại kế hoạch tập trung binh lực của Pháp, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng trên toàn chiến trường Đông Dương, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, tiến tới làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Na-va.
Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu đã triển khai kế hoạch tác chiến cụ thể với bốn hướng tấn công chính: Tây Bắc và Thượng Lào; đồng bằng Bắc Bộ; Trung, Hạ Lào và phát triển chiến tranh sang Campuchia; Tây Nguyên (khu V), trong đó hướng tấn công chính là Tây Bắc 3. Tháng 11-1953, Tổng quân ủy giao nhiệm vụ cho Liên khu V: “Trong Đông xuân này, Liên khu 5 cần phải tập trung lực lượng tiến công lên Tây Nguyên, phát triển lên Tây Nguyên phải coi là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất; nhiệm vụ củng cố vùng tự do là nhiệm vụ quan trọng thứ hai”4. Mặt trận Tây Nguyên phải phối hợp với mặt trận chính là Tây Bắc thực hiện mục tiêu phân tán lực lượng địch, quyết tâm đánh bại kế hoạch quân sự của Na-va.
Tỉnh Kon Tum nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, trong thời kỳ xâm lược của Thực dân Pháp nơi đây đang là điểm yếu và sơ hở của địch. Còn Măng Đen là một tiểu khu quân sự kiên cố, cách thị xã Kon Tum 50km, kiểm soát một vùng rộng lớn ở Đông Kon Tum, vừa án ngữ vững chắc cho thị xã Kon Tum, vừa là bàn đạp thường xuyên đánh phá vùng tự do giáp ranh miền Tây Quảng Ngãi. Đặc biệt, ở đây có con đường huyết mạch độc đạo chạy từ Kon Tum xuống Măng Đen, quận lỵ Ba Tơ, tiếp giáp với Quốc lộ 1, là một mũi đột kích hết sức lợi hại và nguy hiểm trong bước 3 của Chiến dịch Át-lăng, đánh chiếm thị xã Quảng Ngãi, kết thúc cuộc tấn công chiến lược ở miền Nam của Na-va.
Trước âm mưu và hành động quân Pháp, quán triệt phương châm chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tham mưu, Khu ủy Khu V quyết định mở chiến dịch bắc Tây Nguyên. Phương châm tác chiến là: “chỉ sử dụng bộ đội địa phương, du kích và một bộ phận nhỏ quân chủ lực để đối phó với quân Pháp, bảo vệ hậu phương, còn đại bộ phận quân chủ lực tập trung tiến công ở hướng chính phía đông bắc Kon Tum, hướng phối hợp trên đường 19”5. Mục tiêu của chiến dịch này là kiểm soát được thị xã Kon Tum và một số vị trí chiến lược quan trọng ở bắc Tây Nguyên; tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; buộc Na-va phải bỏ dở cuộc hành quân Átlăng, rút lực lượng lên ứng cứu cho Tây Nguyên khiến kế hoạch tập trung binh lực của Pháp bị phá vỡ, phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính Điện Biên Phủ.
Chiến dịch Bắc Tây Nguyên tổ chức lực lượng tiến công địch theo hai hướng: Hướng chính Bắc Kon Tum (sử dụng 2 trung đoàn 108 và 803, tiểu đoàn 30, Liên đội đặc công, cùng lực lượng địa phương Liên khu V thực hành tiến công). Hướng phụ trên đường 19 - An Khê (sử dụng lực lượng địa phương được tăng cường một đại đội của trung đoàn 803 thực hành tiến công tiêu diệt cứ điểm nhỏ, cắt giao thông, chuẩn bị chiến trường cho những hoạt động sau của chiến dịch). Liên khu ủy quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch; đồng chí Nguyễn Chánh - Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu, người vừa mới ra Việt Bắc dự và nhận nhiệm vụ tại Hội nghị Bộ Chính trị (9-1953) trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.
Chiến dịch bắc Tây Nguyên thực hiện đúng chỉ đạo chiến lược của Đảng và Quân ủy Trung ương: tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đánh chắc ăn, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt, chọn nơi địch sở hở và nơi tương đối yếu mà đánh, buộc địch phải phân tán lực lương 6.
Với tinh thần "Tất cả để chiến thắng", 23h23' đêm 27/01/1954 bộ đội chủ lực của ta trên hướng chính Đông Kon Tum cùng lúc nổ súng tấn công 3 cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, Kon Praih. Cuộc chiến đấu diễn ra rất gay go, ác liệt nhất là cứ điểm Măng Đen, vì đây là cái xương sống của cụm phòng thủ phía đông Bắc Kon Tum, án ngữ cửa ngõ miền Tây Quảng Ngãi.
Cử điểm Măng Đen ở độ cao 1.200m, cách thị xã Kon Tum gần 60km về phía đông Bắc. Cứ điểm xây dựng trên 2 quả đồi dáng dấp hình yên ngựa, chiều dài 1.500m, rộng 800-1000m được chia làm 2 khu:
+ Khu A là đồn lớn, cấu trúc hình tam giác, có 3 lô cốt ở 3 góc, giữa có lô cốt mẹ bằng bê tông cốt sắt và hầm ngầm, có giao thông hào kết nối các lô cốt và các nhà với nhau. Các nhà lợp bằng tôn, có nhà đào âm xuống dưới đất 1m. trong các nhà có dự trữ gạo, thịt hộp, cá khô, muối có thể dùng trong 1 đến 2 tháng nếu bị bao vây. Chung quanh khu A toàn dây thép gai bao bọc. Lực lượng địch đóng tại đây gồm 2 đại đội lê dương, do tên quan Hai người Pháp chỉ huy.
+ Khu B xây dựng theo hình móng ngựa, giữa có lùm cây to, có một số nhà tranh cấu trúc theo lối dã chiến bằng gỗ, đất và có một lô cốt kiên cố cao 1,2m. Lực lương tại đây có một đại đội thuộc quân ứng chiến địa phương.
Từ khu A đến khu B gân 1000m, nằm giữa là sân bay nhỏ, các loại máy bay tiếp tế của Pháp đều có thể hạ - cất cánh.
Bọn địch tại đây thường ví Măng Đen như "Con nhện sắt" và huênh hoang tuyên bố: Bao giờ nước sông Rhe chảy ngược, rừng Tây Nguyên hết lá thì Việt Minh mới lấy được đồn Măng Đen.
Đúng 23h30', Trung đoàn 108 bất ngờ nổ súng tấn công, địch chống trả quyết liệt. Lực lượng mở cửa, tiểu đoàn 19 của ta ở khu A gặp khó khăn, các chiến sỹ bộc phá đã quên mình băng qua lửa đạn, đồng chí này ngã xuống, đồng chí khác tiếp tục xông lên đánh chiếm từng lô cốt, từng góc chiến hào với quyết tâm đánh thẳng vào trung tâm sào huyệt địch. Cùng lúc đó, Tiểu đoàn 79 đã chiến đấu làm chủ trận địa khu B của địch. Thấy hướng chính đang gặp khó khăn, Tiểu đoàn đã kịp thời ứng chiến bí mật vượt qua sân bay đánh vòng sau lưng địch. Tiếng súng tiến công rộ lên khắp nơi, quân ta đồng loạt tiến công đè bẹp sự chống trả ngoan cố của địch. Đến 7 giờ, ngày 28-01-1954, ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm Măng Đen- mắt xích số 1 trong phòng thủ Đông Kon Tum của địch bị đập tan.
Cùng đêm 27, rạng ngày 28-01-1954, tiểu đoàn 97 Mặt trận Miền Tây phối hợp với tiểu đoàn 89 (trung đoàn 108) tiến công tiêu diệt gọn cứ điểm Măng Bút; tiểu đoàn 54 (Trung đoàn 803) hạ đồn Kon Praih.
Chiến thắng Măng Đen, Măng Bút, Kon Praih, làm cho hệ thống phòng thủ Đông Bắc Kon Tum của địch sụp đổ hoàn toàn. Trên các hướng khác, quân ta cũng đồng loạt tấn công địch. Trung đoàn 108 tiến về phía Tây, cùng bộ đội địa phương đánh địch, đến 03-02-1954, ta đã hoàn thành giải phóng tuyến Đăk Tô, Đăk Glei, Đăk Hà. Trung đoàn 803 áp sát thị xã Kon Tum đưa một bộ phận đánh cắt đường 14 đoạn từ Kon Tum đi Pleiku. Ở hướng thị xã Kon Tum, lực lượng đặc công của ta tiêu diệt sở chỉ huy của 1 tiểu đoàn tại thị xã Kon Tum. Ngày 04-02-1954, ta chặn đánh trên đường 14 diệt 7 xe quân sự tiếp tế của địch.
Sau những trận đánh ấy, quân địch ở các nơi thất thủ chạy về thị xã Kon Tum. Hàng ngũ địch hoang mang, một số ngụy quyền bỏ trốn. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp quyết định cho quân bỏ thị xã Kon Tum rút về phòng ngự ở Pleiku. Ngày 07-02-1954, toàn tỉnh Kon Tum rộng lớn hơn 13.000 km2 với gần 200 ngàn dân được hoàn toàn giải phóng. Lo sợ bị mất địa bàn trọng yếu Tây Nguyên, quân Pháp buộc phải ngừng cuộc tiến công ở đồng bằng liên khu V, vội vã điều động 11 tiểu đoàn ở Nam Bộ và Bình - Trị - Thiên lên tăng cường cho Tây Nguyên, tổ chức hai tập đoàn cứ điểm An Khê và Pleiku để đối phó với ta7. Ngay sau chiến thắng Kon Tum, Trung ương Đảng đã gửi điện cho quân và dân Tây Nguyên, bức điện viết: “Liên khu 5 đã thành công vượt mức. Cần liên tục chiến đấu, khuyếch trương thắng lợi, phối hợp với toàn quốc. Ra sức tranh thủ củng cố vùng giải phóng, tranh thủ phát triển vào Nam với phương châm: đánh địch đằng trước kết hợp chiến tranh du kích vùng địch hậu. Liên tục chiến đấu trong một thời gian dài để khoét sâu nhược điểm của địch. Tác chiến kết hợp với xây dựng, tiêu diệt kết hợp với củng cố địa phương”7. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư cho bộ đội nêu rõ: “thắng lợi Kon Tum là một thắng lợi to lớn của ta trên chiến trường miền Nam, nó cũng là một trong những thắng lợi to lớn của ta trong mùa xuân này trên chiến trường toàn quốc”8.
Với chiến thắng bắc Tây Nguyên, quân và dân ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch đặt ra là: buộc Na-va phải phân tán lực lượng để đối phó với ta; phá tan cuộc tấn công của chúng vào đồng bằng Liên khu V; tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch 9. Không những thế, quân và dân ta còn giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, chiếm giữ những vị trí quan trọng ở hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, cắt đứt liên lạc giữa Pleiku với Bình Định của quân Pháp.
Điểm lại những chiến công giòn giã của quân và dân ta trên khắp mọi miền trong chiến lược Đông xuân 1953-1954, từ các chiến dịch Lai Châu, Nậm Hu; Chiến dịch Hải Âu đến Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia…tất cả đều có vai trò cực kỳ quan trọng, nhưng mắt xích Măng Đen - Kon Tum đã làm cho Na-va buộc phải ra lệnh cho De Beaufòrt tạm ngừng Chiến dịch Atlante ở đồng bằng Liên khu V, rút một số đơn vị lên tăng cường cho PleiKu, và điều chỉnh lại lực lượng ở Miền nam Trung Bộ. Cùng với việc thất bại của địch ở bắc Tây Nguyên, sau khi Kon Tum hoàn toàn giải phóng, hệ thống địch trong khu vực lung lay toàn phần từ hạ Lào đến trung và thượng Lào...làm cho địch ở Điên Biên cực độ hoang mang. Gần 90 ngày sau Kon Tum hoàn toàn giải phóng, ngày 07-5-1954, cùng nhân dân cả nước, đồng bào Kon Tum chào đón thắng lợi Điện Biên Phủ lẫy lừng, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.
70 năm đã trôi qua, có rất nhiều cuộc tổng kết chiến tranh được tiến hành để giáo dục lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước. Cũng đã có nhiều lớp các chiến sỹ Điện Biên đang sinh sống, cống hiến ở Kon Tum, ai cũng nao nức tự hào mỗi khi nhớ về hay nói về chiến thắng Điện Biên, chiến thắng Bắc Tây Nguyên - Kon Tum với niềm tự hào, kêu hãnh. Vấn đề đặt ra là, chúng ta cần có sự quan tâm nghiên cứu tiếp theo để ngày càng làm rõ hơn giá trị của chiến thắng Bắc Tây Nguyên, đúng với tầm cao chiến lược của nó, hòa chung trong dòng chảy lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam./.
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (1930-1954), Nxb Chính trị Quốc gia – Hà Nội, 2002.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005), Nxb Chính trị Quốc gia – Hà Nội, 2006.
3. Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 96, Chiến thắng Đường 19 - An Khê - Đắk Pơ - Liên khu 5 trong chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2004.
4. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, Trung đoàn 84 – Những chặng đường lịch sử (1947-1954) – Đắk Lắk 2000
5. Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Khu 5 - 30 năm chiến tranh giải phóng (tập 1) – Kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb Quân đội nhân dân, 1986.
6. Lê Mậu Hãn (chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam (tập III), Nxb Giáo dục – 1999.
7, 8. Viện Lịch sử Đảng – Hội đồng biên soạn lịch sử Nam Trung Bộ kháng chiến, Nam Trung Bộ kháng chiến 1945-1975, Hà Nội 1992.