M88 Link: Trang Chủ

Hoạt động báo chí cách mạng tại Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp

Thứ sáu - 09/11/2018 14:51

Tác giả bài viết: Ths. Trần Thị Thu Hương

Nguồn tin: Khoa xây dựng Đảng

Giai đoạn 1945 - 1954 đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Trong khoảng chưa tròn hai mươi năm ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân đã nhất tề đứng dậy làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời, lở đất, giành lại chính quyền từ tay phát xít Nhật và thực dân Pháp, kết thúc đêm trường nô lệ 80 năm

Nhưng ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc ta đã bước vào một cuộc chiến đấu mới vô cùng gian khổ, ác liệt để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh bại toàn bộ quân xâm lược Pháp dưới sự bảo trợ của Mỹ. Đây cũng là thời kỳ báo chí cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới, đóng góp xứng đáng vào chiến thắng chung của dân tộc.

        1. Giai đoạn 1945 – 1946

        Nếu như báo chí cách mạng Bắc Bộ chủ yếu tập trung tại Việt Bắc, báo chí cách mạng Trung Bộ rải dọc các tỉnh duyên hải, thì báo chí cách mạng Nam Bộ được phân bố khá đồng đều từ thành thị tới các vùng cực của Tổ quốc. Mối liên hệ giữa các dòng báo chí cách mạng và báo chí yêu nước ở Nam Bộ khăng khít, chặt chẽ vì sự nghiệp thống nhất đất nước, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

        Sở dĩ báo chí ở Nam Bộ đã duy trì được tính chất này là do, ngay từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Nam Bộ vừa nổ ra, Xứ uỷ Nam Kỳ đã có chủ trương để lại một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tại vùng địch hậu (chủ yếu là Sài Gòn). Trong số này có nhiều nhà báo cách mạng, nhiều đảng viên cộng sản cốt cán nhận nhiệm vụ trước Đảng ở lại xây dựng, chỉ đạo hệ thống báo chí cách mạng trong lòng địch như Trần Bạch Đằng, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Ngọc Thạch...

        Trong hai năm 1945 - 1946, tại Nam Bộ có một số tờ báo cách mạng chính: Hy sinh (Bến Tre), Kháng chiến (Gò Công), Chiến đấu (Vĩnh Long), Miên – Việt (Trà Vinh), Cảm tử (sau đổi thành Vệ quốc, phát hành tại chiến khu miền Đông) v.v.. Trong số các tờ báo cách mạng của Nam Bộ, đáng chú ý là tờ Kèn gọi lính. Đây là cơ quan ngôn luận của Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, có số lượng in hơn 3 bản, được người đọc hết sức yêu thích, coi như tờ báo Cứu quốc của đất phương Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán[1] (1945), hệ thống báo Đảng các xứ uỷ rút vào hoạt động bí mật, thu hẹp quy mô đến mức tối đa. Cả Nam Bộ lúc này chỉ còn tờ Thống nhất (1945 - 1950 - cơ quan của Xứ uỷ Đảng Cộng sản Đông Dương) là hoạt động mạnh mẽ nhất. Nhiều người trước làm cho báo Đảng giờ chuyển sang báo của Mặt trận Việt Minh, báo của Uỷ ban kháng chiến hành chính hoặc làm công tác khác. Từ thời điểm này, báo của Mặt trận Việt Minh, của Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ cũng có thể được con là báo Đảng. Một số nhà báo là đảng viên lên Sài Gòn tham gia viết cho các tờ báo của lực lượng báo chí thống nhất Nam Bộ đã dần dần biến hệ thống báo yêu nước thành báo chí cách mạng hoặc tiến xa hơn thành báo Đarng. Từ cuối năm 1945 trở đi, trong các nhà tù thực dân Nam Bộ, báo chí cách mạng trong tù tiếp tục được duy trì với các tờ tiêu biểu như: Đêm khám lớn, Tiếng tù (Sài Gòn - 1946). Viết cho các tờ báo này là các cây bút cách mạng, các đảng viên cộng sản bị địch giam hãm như Dương Tử Giang, Triệu Công Minh v.v..

        Các khẩu hiệu đấu tranh cũng thống nhất thành bất biến, cũng có thể thay đổi tuỳ theo tình hình, miễn là không trực tiếp tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Các nội dung đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn của nhà cầm quyền bao giờ cũng thể hiện sự khôn khéo, mềm dẻo. Nếu như tình hình không quá căng thẳng, báo chí cách mạng bí mật, báo chí yêu nước có thể đề cập đến các vấn đề xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, đối ngoại lẫn kinh tế, văn hóa. Khi kẻ thù đàn áp quá dữ dội, báo chí lại thu mình lại, chủ yếu chỉ đấu tranh trên phương diện văn hóa.

        2. Giai đoạn 1946 - 1954

        Trong điều kiện chiến tranh, giao thông liên lạc không thuận lợi, tình hình chiến sự mỗi nơi mỗi khác, Đảng và Nhà nước ta chủ trương khuyến khích phát triển loại báo địa phương. Để hạn chế tính quan liêu cửa quyền của một số cơ quan quản lý, từ năm 1948, Chính phủ đã ban hành một số văn bản, giao quyền cho cấp Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh, liên khu cấp phép, kiểm duyệt, hàng tháng chỉ phải làm báo cáo gửi lên Bộ Nội vụ. Cách điều phối này đã tạo điều kiện cho dòng báo chí địa phương phát triển mạnh mẽ.

        Tại Nam Bộ, sau khi tiếp quản Sài Gòn từ tay quân Anh, người Pháp tiếp tục mở rộng chiến tranh nhằm chiếm lại các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ,  Thực dân Pháp khôi phục lại chế độ quản lý báo chí cũ. Chính quyền tay sai của Pháp theo lệnh chủ động nới rộng một số quyền tự do dân chủ nhằm xoa dịu dư luận, lấy lòng báo chí. Họ muốn dùng báo chí tuyên truyền cho chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Thinh (một chính phủ chỉ tồn tại được mấy tháng, sau đó người đứng đầu của nó đã treo cổ tự tử). Nhờ sự thay đổi chính sách này, báo chí tư nhân có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, chính phủ Lê Văn Hoạch lên thay đã đàn áp báo chí dữ dội, gây bất bình trong dân chúng. Đây chính là lúc báo chí cần có sự đoàn kết, nhất trí, đấu tranh cho sự tồn tại của chính mình. Dưới sự chỉ đạo gián tiếp của Đảng, lực lượng báo chí thống nhất ra đời, có lúc quy tụ được tới 17 tờ báo, là lực lượng đối lập với hệ thống báo chí của chính quyền.

        Để thống nhất trong hành động tư tưởng, những người lãnh đạo lực lượng báo chí thống nhất xác định phải lập một Bộ biên tập chung đặt tại xóm Thơm (Gò Vấp - thành phố Hồ Chí Minh). Bộ biên tập gồm đại diện của mỗi tờ báo như Lý Vĩnh Khuôn, Nguyễn Văn Hiếu, vợ chồng Triệu Công Minh - Ái Lan, Lê Thọ Xuân, Lê Văn Ngòn, Trần Thọ Phước, Trần Văn Nguyên. Bộ biên tập có nhiệm vụ vạch kế hoạch đấu tranh chung cho cả nhóm báo tuỳ theo từng tình hình cụ thể. Nhóm còn xác định nội dung cho từng tờ, căn cứ ở chức năng riêng. Khi đất nước có những diễn biến chính trị phức tạp Bộ biên tập sẽ cử người viết hoặc đặt bài các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đối với những bài có tầm cỡ chiến lược lớn, Bộ biên tập cho đăng trên 4 tờ nhật báo có uy tín nhất của lượng báo chí thống nhất là Tin điển, Kiến thiết, Nam Kỳ Việt. 

        Trong thời gian đó, nhiều ký giả của lực lượng báo chí thống nhất cho đến nay vẫn được người đọc nhắc đến với thái độ trân trọng như Vũ Tùng, Bách Việt, Thiếu Sơn, Dương Tử Giang, Nguyễn Văn Hiếu, Bùi Danh, Nam Quốc Cang, Quốc Ấn, Trần Văn Nguyên, Vĩnh Sanh, Trần Tấn Quốc, Nguyên Kỳ Nam, Thiện Giang, Tam Ích, Thê Húc, Nguyễn Bảo Hóa, Hoàng Tấn, Hoàng Tố Nguyên, Trúc Khanh, Vũ Anh Khang, Lý Văn Sâm, Lê Thọ Xuân, Thuần Phong, Phi Bằng, Trần Minh Ký...

        Có thể nói, nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng báo chí thống nhất là đấu tranh với báo chí của nhà cầm quyền, chống lại chủ trương phân ly, xuyên tạc đường lối kháng chiến của Đảng và Nhà nước của các tờ Phục hưng, Tiếng gọi, Tương lai. Nội dung chính của báo chí cách mạng trong những năm 1945 - 1946 là đấu tranh chống chia rẽ dân tộc, giữ gìn truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa, ủng hộ triệt để công cuộc kháng chiến do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo, lên án tội ác dã man của kẻ thù, vạch trần tính chất giả nhân giả nghĩa của nhà cầm quyền thực dân. Các tờ báo trong nhóm còn trực tiếp hoặc gián tiếp ca tụng đời sống kháng chiến, ca ngợi Hồ Chủ tịch. Có tờ còn cho đăng lại thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên và nhiều tác giả sáng tác ở Việt Bắc. Các hoạt động đó của báo chí, buộc nhà cầm quyền tìm mọi cách để đàn áp lực lượng báo chí thống nhất, đập phá tòa soạn, bắt bớ, giết hại ký giả. Tuy nhiên, sự đàn áp dã man của kẻ thù không làm nhụt đi ý chí đấu tranh cũng như lòng yêu nước của những người luôn tâm huyết với lợi ích dân tộc, với Tổ quốc.

        Khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, người Pháp nhận thấy khó có thể kiểm soát được tình hình nếu hệ thống báo chí thống nhất vẫn tồn tại giữa Sài Gòn. Dựa vào việc các báo đồng loạt đưa tin đoàn thanh tra của chính quyền thực dân bị phục kích ở Trung Lương, Lê Văn Hoạch đã rút giấy phép của cả 17 tờ thuộc lực lượng báo chí thống nhất. Điều này không ngăn cản các nhà báo cách mạng sang làm việc cho các tờ báo yêu nước khác ở Sài Gòn như: Nay mai, Ngày nay, Quốc hồn, Lẽ sống, Sự thật, Tân dân, Ánh sáng, Thái bình... Các báo này đều có mục ''Tin tức Bưng Biền'', được độc giả ưa thích. Để bán được báo và cũng để hạn chế sự coi thường của người dân, một số tờ báo của chính quyền cũng bắt chước ra mục các ''Tin tức Bưng Biền'', ở đây đã bị lọc lựa kỹ càng hoặc bị bóp méo ít nhiều.

        Có thể nói, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hầu hết các tờ báo yêu nước tại vùng tạm chiếm đều có người của Đảng Cộng sản Đông Dương cài vào. Nhờ vậy mà mọi phát ngôn của báo chí về cơ bản vẫn phục tùng, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng và Nhà nước. Chính vì thế, ta hoàn toàn có thể đặt dòng báo chí yêu nước tại vùng bị tạm chiếm Nam Bộ vào hệ thống báo chí cách mạng. Đây là điểm khác chủ yếu với báo chí Bắc Bộ - Trung Bộ và Tây Nguyên. Báo chí cách mạng Nam Bộ thời kỳ này tập trung ở khu vực chính là các đô thị miền Nam.

        Mặc dù gặp nhiều trở lực, bị đàn áp nặng nề nhưng những người làm báo cách mạng ở Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp đã chia sẻ khó khăn, gian khổ, hy sinh cùng nhân dân, quân đội, không chỉ duy trì phát triển, đưa nguồn thông tin, tiếng nói của cách mạng, của kháng chiến đến với  đồng bào chiến sỹ trong nước và bè bạn quốc tế, mà còn gùi vác, vận chuyển cả chục tấn máy in, máy phát trên vai, trực tiếp cầm súng chống càn như những người chiến sỹ. Bằng trí tuệ, tài năng, lòng yêu nước và cả máu, mồ hôi, những người làm báo kháng chiến đã hoàn thành trách nhiệm của mình, đóng góp xứng đáng vào chiến thắng chung của cả dân tộc - đánh bại thực dân xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ, làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

                                                                      

                                                TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.

2. Đào Duy Nhất, Đỗ Quang Hưng,Vũ Duy Thông, Tổng quan lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 – 2010, NXB Chính trị Quốc gia

 


[1] Thực chất là rút vào hoạt động bí mật.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây