M88 Link: Trang Chủ

Học tập tư tưởng "Nói đi đôi với làm" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ sáu - 30/08/2019 11:49

Tác giả bài viết: Chu Mai Phong - Khoa Lý luận cơ sở

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong xây dựng nền đạo đức mới và xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, là "đạo đức", là "văn minh". Đối với mỗi người, lời nói phải thống nhất và được thực hiện nghiêm túc thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân và cho xã hội.

Nói đi đôi với làm không đơn thuần là phương châm, cách thức tu dưỡng đạo đức mà còn là cơ sở để phân biệt giữa đạo đức cách mạng với những thứ đạo đức khác. Nói mà không làm là đặc trưng của giai cấp bóc lột, kiểu mệnh lệnh ép buộc, gian trá: “Hãy làm theo tôi nói, đừng làm theo tôi làm” hay “nói một đằng, làm một nẻo” của những kẻ cơ hội. Trái lại, lời nói đi đôi với việc làm, luôn tu dưỡng rèn luyện và phấn đấu là đạo đức của người cách mạng nói chung và của Đảng ta từ khi thành lập đến nay vẫn luôn kiên định với một mục tiêu duy nhất "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".[1]

      Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Cán bộ, đảng viên ta nhiều đồng chí đã làm được nhưng vẫn còn một số người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí đó. Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng gồm: Cần, kiệm, liêm, chính. Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”[2]. Trong việc công, bản thân Người đã nhiều lần bàn đến việc tẩy sạch căn bệnh quan liêu, coi thường quần chúng của một số cán bộ, đảng viên: “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”. Người nói “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”. Cho đến khi qua đời, Người còn viết trong Di chúc “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[3]. Cả cuộc đời Người đã là minh chứng cảm động cho sự nhất quán giữa nói và làm đạo đức. Nhờ kiên trì thực hành đạo đức, Người đã để lại cho dân tộc ta một tấm gương sáng ngời về đạo đức của một vị lãnh tụ thực sự của nhân dân.

      Hiện nay, khi mà toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Thì việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm có ý nghĩa rất to lớn. Đồng thời là một việc làm rất quan trọng và cần thiết đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào thực tế cuộc sống. Để nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên về mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Mỗi cán bộ, đảng viên có kế hoạch học tập, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tư cách đảng viên; khắc phục mọi biểu hiện cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, mơ hồ mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu và những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đặc biệt cần phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống. Phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi; kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất hiện nay. Làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai những cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.

      Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá để phát triển. Hơn lúc nào hết chúng ta đang phải từng ngày, từng giờ phải đối phó với những vấn đề hết sức nghiêm trọng về đạo đức, lối sống, phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên đang diễn ra gay gắt như: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp” và “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội “tự diễn biến”, “tự chuyển hoácó những diễn biến phức tạp”. Để ngăn chặn và đẩy lùi những hiện tượng như đã nêu trên, chúng ta cần phải ra sức học tập và thấm nhuần một cách sâu sắc hơn nữa tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đặc biệt là tư tưởng: Nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm của Người, đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với công cuộc xây dựng CNXH, sự nghiệp đầy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

      Kỷ niệm 50 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, đọc lại, thấm nhuần những lời dạy vẫn còn mang tính thời sự như Người vừa mới viết ra - chúng ta càng tự hào vì đã làm theo chỉ dẫn của Người, sẽ kiên quyết khắc phục những thiếu sót về lãnh đạo, về tuyên truyền giáo dục, về tổ chức thực hiện…. Nhằm biến những tư tưởng của Người thành hiện thực và mãi mãi tiến hành tốt công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh./.

 

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật,  xuất bản lần thứ 3, Hà Nội, 2011 tập 5, tr.552.

[2]  Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.501.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.623

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây