Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân đã bùng lên mạnh mẽ trên khắp cả ba miền Bắc Trung Nam. Cao trào cách mạng 1930-1931 do Đảng chủ trương và phát động đã diễn ra trên 25 tỉnh thành trong cả nước, trong đó Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Hoảng sợ trước phong trào quần chúng lên cao và trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Đảng Cộng sản, đế quốc Pháp đã thi hành chính sách khủng bố trắng cực kỳ tàn bạo, nhiều tổ chức cơ sở đảng bị phá vỡ, hàng vạn cán bộ, đảng viên bị giết, bị tù đày. Các chiến sỹ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị bắt giam, kết án và đưa đi lưu đày khắp các nhà tù trên cả nước. Theo Niên giám thống kê Đông Đương, từ năm 1930-1935, đế quốc Pháp đã bắt giam 246.532 người. Riêng nhà tù Côn Đảo, 833 tù chính trị bị tra tấn, đánh đập, hành hạ đến chết. Ở ngục Kon Tum, có 300 tù nhân bị thủ tiêu. Đồng thời, đế quốc Pháp phối hợp với các nước đế quốc có thuộc địa trong vùng và các thế lực phản động quốc tế khác (Anh, Hà Lan, bọn phản động cầm quyền ở Trung Quốc,…) trục xuất, bắt bớ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở thuộc địa các nước đó.
Để giải quyết lượng tù nhân quá tải, đồng thời phục vụ cho ý đồ khai thác thuộc địa nhằm góp phần giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, từ tháng 12-1930 đến tháng 4-1931, thực dân Pháp đày ải những đoàn tù chính trị từ nhà lao các tỉnh miền Trung lên giam giữ ở Tây Nguyên, Kon Tum nhanh chóng trở thành nơi giam giữ “lý tưởng” những người tù cộng sản. Ngục Kon Tum được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1915-1917, ban đầu chỉ để giam giữ tù thường phạm. Sau năm 1930, nhà Ngục mới được sử dụng để giam giữ tù chính trị bị bắt trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và những người yêu nước chống Pháp ở các tỉnh Miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa,…) nhằm lưu đày, phát vãng, giết hại dần những chiến sỹ cộng sản và những người yêu nước. Để thuận lợi cho việc đàn áp, khổ sai, thực dân Pháp tiếp tục cho xây dựng nơi đây 2 khu nhà gọi là lao trong và lao ngoài cùng những thủ đoạn nhục hình, tra tấn dã man. Trên 500 lượt tù chính trị đã bị giam cầm nơi đây và hơn một nửa trong số đó đã bị giết hại trong nhà lao hoặc vùi thây dọc đường 14 khi bọn địch cưỡng bức đi làm đường. Ngục Kon Tum trở thành “địa ngục trần gian”. Âm mưu thâm độc của thực dân Pháp nhằm mục đích nhanh chóng giảm bớt số lượng tù nhân bị giam giữ chật kín ở nhà đày các tỉnh miền Trung. Khai thác sức lao động không công của tù nhân để xây dựng tuyến đường 14 nối liền các tỉnh Tây Nguyên với vùng đồng bằng, trung du ven biển để phục vụ cho mưu đồ cai trị và khai thác thuộc địa của chúng. Lợi dụng nơi rừng núi xa xôi, dân cư thưa thớt cách xa các trung tâm đô thị và đồng bằng nhằm cách ly tư tưởng Cộng sản; đồng thời để giết dần, giết mòn các tù nhân chính trị mà không sợ tai tiếng và dư luận lên án. Đoàn tù chính trị đầu tiên gồm 150 người từ nhà lao Vinh (Nghệ An) được đưa lên giam ở Ngục Kon Tum (tháng 12-1930) và sau đó, từ tháng 1-1931 đến tháng 4-1931, có ba đoàn tù chính trị cộng sản nữa từ nhà lao Vinh, Hà Tĩnh, Nha Trang lần lượt đày lên Kon Tum, nâng tổng số tù lên tới 295 người.
Cuộc đấu tranh lưu huyết (12-12-1931) - Tranh trưng bày tại Khu di tích Ngục Kon Tum.
Những thủ đoạn thâm độc mà bọn cai ngục thường sử dụng đối với tù chính trị là đánh phủ đầu, trấn áp tù nhân bằng roi vọt, báng súng, gậy gộc, uy hiếp tinh thần, lôi kéo, mua chuộc, cài cắm những phần tử phản động giả tù nhân trà trộn vào làm mật thám, chỉ điểm, chia rẽ khối đoàn kết, gây nghi ngờ lẫn nhau giữa anh em tù chính trị. Thâm độc hơn, bọn cai Pháp còn đào tạo một đội quân lính cai ngục người dân tộc thiểu số và nhồi nhét vào họ tư tưởng căm ghét tù chính trị bằng việc tuyên truyền, lừa mị rằng những tù nhân là những tên xấu xa, lười biếng, là những tên cướp của và rất ghét người dân tộc,…Vì thế bọn lính cai càng hung hăng, tàn bạo. Thực dân Pháp đã thực hiện một cách triệt để cái gọi là lấy nhân công mở đường và tiêu diệt người cộng sản. Chúng đã biến con đường 14 trở thành “con đường máu”, là “mồ chôn” của những người tù chính trị. Công việc trên công trường làm đường rất nặng nhọc, tù nhân làm lụng quần quật, dầm mưa, dãi nắng, đầu không nón, không tấm che mưa, mỗi ngày lao công không dưới 10 tiếng đồng hồ, buổi trưa không được nghỉ ngơi, buổi tối nghỉ không đủ giấc, chân trong cùm, ăn uống kham khổ, đói khát, tù nhân kiệt sức, bệnh tật nhiều, thuốc thang không có, còn bị đánh đập tàn nhẫn. Từ tháng 12-1930 đến tháng 5-1931, chỉ trong 6 tháng làm đoạn đường dài 15 km từ Đăk Pao đi Đăk Pék đã có tới 150 người trong số 295 người tù chính trị đã bị chết một cách thê thảm, số còn lại sống sót trong cảnh ốm yếu, chỉ còn da bọc xương.
Hiện vật trưng bày tại Di tích Ngục Kon Tum
Chính sách đối xử hà khắc và những âm mưu thâm độc của nhà tù thực dân không những không dập tắt được lòng yêu nước, chí khí kiên cường của những người cộng sản, trái lại đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh, tôi luyện ý chí gang thép, nhiệt huyết đấu tranh, giữ vững niềm tin vào cách mạng. Tiêu biểu như hoạt động sáng tác thơ văn trong nhà Ngục Kon Tum (thơ của các đồng chí Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Hồ Tùng Mậu,…) tái hiện cuộc sống lao tù khổ ải, mà trên hết là tinh thần lạc quan, bản lĩnh, nghị lực phi thường, khí phách hiên ngang của những người cộng sản. Điều không thể đã trở thành có thể, trong điều kiện khó khăn nhất, nghiệt ngã nhất những người chiến sĩ cách mạng kiên trung đã “biến cái rủi thành cái may”, “biến nhà tù thành trường học cách mạng” từng bước “gieo mầm cộng sản” trên mãnh đất Kon Tum anh hùng.
Tháng 6/1930, đồng chí Ngô Đức Đệ (Can Lộc, Hà Tĩnh), Đảng viên Đông Dương cộng sản liên đoàn, đang bị giam giữ ở nhà ngục Kon Tum đã từng bước giác ngộ, cảm hóa Đội Thơ (Huỳnh Đăng Thơ), Cai Liễu (Huỳnh Liễu), Cai Cừ (Nguyễn Cừ). Đến ngày 25/9/1930, khi điều kiện đã chín muồi, một cuộc họp bí mật ngay trong nhà ngục Kon Tum đã được tổ chức để tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng (Chi bộ binh) đầu tiên ở Kon Tum và ngày 25/9 đã trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum. Từ khi chi bộ Đảng ra đời, phong trào đấu tranh trong Ngục Kon Tum được tổ chức chặt chẽ hơn để vừa đạt được mục đích đấu tranh, vừa đỡ mất mát hy sinh, xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất trong anh em tù chính trị, giác ngộ tù thường phạm và cả những người lính cai ngục có lòng yêu nước. Sau khi Chi bộ binh được thành lập, phong trào yêu nước được các đảng viên vận động và phát triển mạnh cơ sở cách mạng ra bên ngoài. Đến năm 1931, Chi bộ đường phố đã được thành lập, mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước ở Kon Tum, có Đảng cộng sản lãnh đạo.
Sự ra đời của “ Chi bộ binh” (25.9.1930) và “Chi bộ đường phố” (đầu năm 1931) là bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Sự kiện đặc biệt này thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của những người cộng sản, biến nhà tù thành một cơ sở, một môi trường hoạt động cách mạng ngay trong hàng ngũ kẻ thù. Đó là một điều thần kỳ, một bài học vô giá được đúc kết bằng nhiều kinh nghiệm xương máu qua bao năm tháng của nhiều thế hệ tù chính trị. Lo sợ trước tinh thần đấu tranh của nhân dân ta, nhà cầm quyền Pháp buộc phải thả 50 người tù chính trị, thay đổi chế độ lao dịch, bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men chữa bệnh. Tháng 12-1932, chúng bỏ hẳn việc đưa tù chính trị đi làm đường 14, tháng 4-1934 xóa bỏ nhà đày Kon Tum và đưa tất cả số tù chính trị còn lại vào nhà đày Buôn Ma Thuột.
Quá khứ đã khép lại, lịch sử đã sang trang nhưng hình ảnh những người tù chính trị đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho đất nước, hi sinh vì lý tưởng của Đảng đã trở thành những tượng đài bất tử. Ngục Kon Tum - một biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung, anh dũng của những người cộng sản đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng cách mạng. Ngục Kon Tum trở thành “địa chỉ đỏ” cách mạng, Di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh nhà, đang tích cực góp phần giáo dục, rèn luyện, hun đúc cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, không chịu khuất phục trước sức mạnh bạo tàn của bất cứ kẻ thù nào.
Hướng tới Kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Kon Tum (25/9/1930 – 25/9/2018) là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng, tiếp thêm sức mạnh tiếp bước cha anh viết thêm những trang sử vàng truyền thống của dân tộc, làm rạng danh đất nước non sông trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn