Qua 08 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, các quy định của 02 Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quá trình đổi mới, từng bước đáp ứng được chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân cũng như yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tạo cơ sở pháp lý cho việc phân định rõ đội ngũ cán bộ với công chức, tách viên chức ra khỏi đội ngũ cán bộ, công chức; quy định phù hợp với đặc thù hoạt động và thực thi công vụ của cán bộ, công chức và cán bộ cấp xã, công chức cấp xã; công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức,viên chức đãcó những chuyển biến rõ rệt, từng bước đi vào nền nếp, góp phần tích cực trong cải cách hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao năng lực thực thi công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dânvà vì nhân dân, xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lựu, hiệu quả, phù hợp với xu hướng chuyển sang nền hành chính phục vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã bộc lộ bất cập nhất định, được chỉ ra trong Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng và thông báo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Trên cơ sở đó Bộ nội vụ trình Chính phủ dự án luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức với nội dung và giải pháp thực hiện các chính sách như sau:
+ Chính sách 1: Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó giải pháp thực hiện chính sách đó là:
- Sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về lựa chọn và phương thức sử dụng nhân tài theo hướng phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đặc thù ngành, lĩnh vực quản lý quy định cụ thể việc thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị và trong đơn vị sự nghiệp công lập.
- Mở rộng diện thi tuyển đối với chức vụ quản lý, lãnh đạo (công chức lãnh đạo) trong cơ quan làm việc theo chế độ thủ trưởng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự công tâm, khách quan.
- Sửa đổi, bổ sung nhóm các quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm thống nhất với phân loại theo quy định của Đảng; hoàn thiện các quy định về tiêu chí phân loại theo hướng lượng hóa; giao quyền cho người trực tiếp sử dụng lao động trong việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức hằng năm theo quy định hiện hành để đưa ra khỏi đội ngũ những người có 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tính cạnh tranh, tránh tình trạng chây ỳ, tâm lý “biên chế suốt đời”; có cơ chế để hạn chế sự lạm quyền, trù dập, đồng thời bảo đảm khách quan, trung thực, bảo đảm công tác lãnh đạo của cấp ủy.
- Sửa đổi quy định về công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, đồng thời khắc phục những bất cập trong việc thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý đối với công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.
- Tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ.
+ Chính sách 2: Tiếp tục thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, giải pháp thực hiện chính sách như sau:
- Quy định tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tinh giản biên chế.
- Quy định theo hướng lượng hóa công tác đánh giá, phân loại; xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo cấp hành chính trong việc thực hiện đánh giá, phân loại;
- Sửa đổi, bổ sung các quy định tại Chương V về cán bộ, công chức cấp xã; các quy định về đánh giá cán bộ, công chức tại Chương III Luật Cán bộ, công chức
- Áp dụng khoa học kỹ thuật trong thực hiện công vụ; cải tiến chế độ, lề lối làm việc để tiến tới một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả; thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục, xây dựng một nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
+ Chính sách 3: Xử lý nghiêm, đồng bộ các trường hợp vi phạm, giải pháp lựa chọn như sau:
- Bổ sung đồng bộ các trường hợp bị xử lý kỷ luật khi đã nghỉ hưu để bảo đảm phù hợp với quy định kỷ luật của Đảng;
- Chỉnh lý quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức theo hướng kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác cán bộ.
- Bổ sung quy định mới trong dự thảo Luật về kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu;
- Rà soát các trường hợp cụ thể để quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật phù hợp với thực tiễn.
+ Chính sách 4: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, đề cao vai trò người đứng đầu trong từng cấp hành chính của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Giải pháp lựa chọn như sau:
- Bổ sung quy định rõ hơn về thẩm quyền của người đứng đầu của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị theo cấp hành chính trong việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, đặc biệt là trách nhiệm trong công tác đánh giá cán bộ;
- Quy định rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền; xây dựng cơ chế đánh giá liên tục, đa chiều giữa các cấp quản lý, những người chịu sự tác động trong quá trình thực thi công vụ;
- Định kỳ đánh giá, kiểm tra, giám sát xem xét kết quả thực hiện.
- Thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Như vậy theo tờ trình của Bộ Nội vụ đề nghị: Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức: hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tháng 9 năm 2018; trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2018), thông quatại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019); Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức: hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Quý I/2019; trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn