Nǎm 1919 các nước đế quốc thắng trận họp Hội nghị Véc-xây (Versailles) để phân chia thị trường thế giới. Nhân dịp này Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, đã gửi tới Hội nghị Véc-xây bản yêu sách “tám điểm” đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam.
Tháng 7 nǎm 1920 qua báo Nhân đạo (L'Humanité- Pháp), Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I Lê nin. Người viết: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ.! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta.
Trong tác phẩm Đường Cách Mệnh Người kết luận: bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mã khắc tư và Lê nin. Và, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản.
Như vậy là đã rõ, khi tiếp cận được chủ nghĩa Mác - Lê nin, Nguyễn Ái Quốc từ người yêu nước trở thành người cộng sản và đã dứt khoát lựa chọn con đường đi theo chủ nghĩa xã hội cho cách mạng Việt Nam, theo quỹ đạo của cách mạng vô sản. Người đã tham gia nhiều hoạt động thực tiễn và lý luận rất sôi nổi như: tham gia Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa, viết bài và tham gia xuất bản báo (tờ Le Paria), viết bài tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê nin về Việt Nam và các nước thuộc địa.
Một mặt, không máy móc, không giáo điều khuôn mẫu, không tự “buộc mình” hay trói người khác vào những câu chữ, hàn lâm, kinh viện khép kín, đọc các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc người đọc cảm nhận được cái tinh thần cách mạng, khoa học, nhân văn và rất biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin chứ không phải những nội dung “nhất thành bất biến”. Đây thực sự là nét tinh hoa, độc đáo và rất dũng cảm hiếm có ở người khác.
Mặt khác, với phương châm gắn lý luận với thực tiễn, dùng lý luận Mác - Lênin để soi đường cho hoạt động thực tiễn, tổng kết thực tiễn để rút ra những kết luận mới bổ sung cho lý luận thêm phong phú, và bản lĩnh của người cộng sản trung dũng đã chứng minh năm 1924, khi chủ nghĩa giáo điều còn rất phổ biến trong phong trào cộng sản công nhân Quốc tế, ngay tại trung tâm đầu não của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đưa ra một luận điểm táo bạo: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại” Vì vậy “không thể cấm bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”[1].
Từ đó, chúng ta có thể thấy có nhiều luận điểm chưa có trong lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin nhưng phù hợp với tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin, rất đúng với những yêu cầu mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đề ra rằng: học thuyết của các Ông không phải là sinh ra một lần rồi thôi (không phải nhất thành bất biến) mà nó cần vận dụng phù hợp với thực tiễn đang diễn ra, nó phải mang tính lịch sử cụ thể đúng với tinh thần phép biện chứng duy vật. Cho nên, giữa lúc Quốc tế Cộng sản đang đề cao “đấu tranh giai cấp” và lực lượng chủ yếu là giai cấp công nhân, đặt vấn đề giai cấp lên trên hết mọi yếu tố khác thì trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo Người đã đặt vấn đề giải phóng dân tộc đưa cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, tức là sự nghiệp cách mạng ấy phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng. Vì vậy, con đường phát triển tất yếu của cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng XHCN. Người chỉ rõ: ''Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn''., phải thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhằm đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và bọn phong kiến tay sai, hai nhiệm vụ này có quan hệ khăng khít nhau mà đặt lên hàng đầu là nhiệm vụ giải phóng dân tộc, và lực lượng tham gia là có cả trung tiểu địa chủ nữa.
Đây rõ ràng là sự sáng tạo và dũng cảm của Nguyễn Ái Quốc, thể hiện nhãn quan chính trị nhạy bén, đúng đắn nhằm tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính, huy động được sức mạnh tổng thể của dân tộc mà giải phóng dân tộc trước, các vấn đề khác của nội bộ dân tộc sẽ xử lý sau. Tiếc rằng, những quan điểm đúng đắn và sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc đã bị sự “giáo điều, sơ cứng” của Quốc tế Cộng sản lúc bấy giờ, và bị cho rằng là “người dân tộc chủ nghĩa, chỉ lo việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp”.
Thực tiễn là động lực, là chân lý kiểm nghiệm lý luận, nên, những tư tưởng đúng đắn và rất dũng cảm của Nguyễn Ái Quốc phải đến sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) Đảng ta mới phục hồi và triển khai những tư tưởng trên của Hồ Chí Minh trong thực tế.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những thắng lợi vĩ đại về sau dưới sánh sánh chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh như Điện Biên Phủ 1954; đại thắng mùa xuân 30/4/1974, sự nghiệp đổi mới hơn 30 năm qua...đã chứng minh tính đúng đắn, cách mạng và sáng tạo của Hồ Chí Minh, đó là thắng lợi của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã được nêu ngay từ đầu năm 1930 trong Chính Cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Hồ Chí Minh, đó cũng là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh, một cống hiến quan trọng vào phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác – Lênin trong xử lý mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Dù đã đi xa hơn 50 năm, nhưng người chiến sỹ cộng sản trung dũng Nguyễn Ái Quốc, đã để lại cho chúng ta một mẫu mực trong việc vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, mẫu mực ấy đang định hướng cho sự nghiệp đổi mới hiện nay ở nước ta, hướng vào mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn