Tác giả bài viết: TS. Ngô Hoàng Anh
Nguồn tin: Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái cũng là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vì thế Trong điều kiện tình hình phức tạp hiện nay, nhất là thời điểm "nhạy cảm chính trị" khi chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thì cuộc đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cuộc đấu tranh quyết liệt và phức tạp, không chỉ đơn thuần về mặt nhận thức, mà còn mang tính chính trị sâu sắc.
Đảng ta đã sớm xác định và chỉ đạo kịp thời cuộc đấu tranh này, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thống nhất về tư tưởng và hành động, tiếp tục bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cảnh giác với âm mưu phá hoại của kẻ thù, gần đây nhất ngày 22-10-2018 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Bên cạnh việc kiên định đường lối, bảo vệ nền tảng tư tưởng, chúng ta cần tăng cường đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái bằng nhiều con đường, phương thức khác nhau. Phải tiến hành đấu tranh chống các quan điểm sai trái ở từng cơ quan, từng ngành, coi đó là phương pháp tự bảo vệ mình, qua đó hình thành một mặt trận chung của nhiều ngành, nhiều cơ quan tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần tìm ra những hình thức tuyên truyền cho phù hợp, sát với từng đối tượng cụ thể, tăng cường công tác thông tin, nhất là thông tin đại chúng như mạng lưới báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh, internet...
Gần đây trên các trang mạng xã hội, với "chiêu trò" góp ý cho Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, một số phần tử chống phá và những người cơ hội núp bóng góp ý đã cho rằng: ở Việt Nam chỉ cần nói tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nói chủ nghĩa Mác - Lênin.
Chúng ta cần chỉ ra những sai trái, mơ hồ và phi lý của luận điểm này Trước hết phải khẳng định lại quan điểm của Đảng ta rằng: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[2].
Vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống tư tưởng toàn diện về cách mạng Việt Nam được xây dựng dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay bản thân Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, chính xác khi đánh giá vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh viết: “Trước hết phải có đảng cách mệnh...Đảng có vững cách mệnh mới thành công... Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[3]
Tháng 7-1969 trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài, Hồ Chí Minh nói: “chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng... chúng tôi giành được thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”[4]
Đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, Hồ Chí Minh đã từ người yêu nước trở thành người cộng sản và tìm được con đường để cứu nước giải phóng dân tộc đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Người nói: “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[5]
Nguồn gốc lý luận chủ yếu, quyết định sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh là Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, có thể nói, về bản chất khoa học và cách mạng thì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, cho nên ở Việt Nam không thể tách rời mối quan hệ hữu cơ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, không thể và không được lấy tư tưởng Hồ Chí Minh thay thế chủ nghĩa Mác - Lênin.
Mưu toan của quan điểm trên muốn đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là muốn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, và như vậy trước mắt “cái gốc” của tư tưởng Hồ Chí Minh đã bị phủ nhận, thì tương lai họ sẽ tiến đến tìm cách phủ nhận chính tư tưởng Hồ Chí Minh, sâu xa hơn là phủ nhận nền tảng tư tưởng và phương pháp luận của Đảng.
Do vậy, phải luôn luôn quán triệt bài học kinh nghiệm mà Đảng ta nêu ra tại Đại hội XI rằng: “Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[6]
Vậy là, bản thân Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chứng minh trong thực tiễn là một khoa học biện chứng, hiện đại, khoa học của những quy luật khách quan về sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, cẩm nang về cách mạng của quần chúng bị áp bức, bóc lột, về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản
Thứ hai, chính bản thân Hồ Chí Minh đã nói lên nguyên nhân thắng lợi của cách mạng nước ta là nhờ nguồn gốc tư tưởng lý luận là Chủ nghĩa Mác - Lênin, Thứ ba, Đảng ta khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là sự cụ thể Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện hoàn cảnh nước ta.
Chính sự chính xác về khoa học, toàn diện và hệ thống, tính biện chứng nhằm mục đích giải phóng nhân loại cần lao, giải phóng xã hội khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, bất công, giải phóng mọi sự tha hoá, xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, văn minh thực sự mà chủ nghĩa Mác - Lênin và ở Việt Nam có thêm tư tưởng Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn là đỉnh cao của trí tuệ loài người, do vậy ở nước ta không được mưu toan tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác - Lênin.
Nên việc lên án, chỉ ra "chiêu trò" thâm độc này, đề cao cảnh giác và đấu tranh chống các quan điểm sai trái để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam là việc làm khẩn thiết./.
[1] ĐCSVN-Văn kiện ĐH ĐBTQ lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng 2016, trang 69.
[2] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ IX , Nxb CTQG, Hà Nội 2001, trang 83, 84
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG Hà Nội, 2002, tập 2 trang.267,268
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG H, 2000, tập 12 trang 476
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG H, 1995, tập 10 trang 128
[6] Đảng cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XI, Nxb CTQG Hà Nội 2011, trang 21
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn