Sau một loạt những thất bại quân sự, Chính phủ Pháp đã 7 lần thay tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương mà không cải thiện tình hình, quân Pháp trên chiến trường ngày càng lâm vào thế phòng ngự bị động.Tháng 5.1953, Chính phủ Pháp cử Nava làm Tổng tư lệnh Pháp ở Đông Dương. Để kết thúc chiến tranh trong danh dự, ngày 27.4.1953, Hội đồng Quốc phòng Pháp đã thông qua kế hoạch Nava.
Theo đó, từ mùa thu năm 1954, quân Pháp sẽ tiến công chiến lược giành những thắng lợi quân sự quyết định buộc Việt Nam phải chấp nhận những điều kiện của Pháp. Như vậy, kế hoạch Nava đã chứa đựng mục tiêu thương lượng nhưng là thương lượng trên thế mạnh. Trong khi Nava đang triển khai kế hoạch của mình ở Đông Dương thì tại Pari, ngày 12.11.1953, Thủ tướng Lanien, mặc dù là người của phái “chủ chiến” nhưng trước sức ép của dư luận, nhất là các nghị sĩ phản chiến cũng phải tuyên bố “Nếu một giải pháp danh dự xuất hiện trong khung cảnh địa phương hoặc khung cảnh quốc tế, nước Pháp sẽ vui lòng chấp nhận một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột”[1].
Chỉ sau 8 ngày tuyên bố của Thủ tướng Pháp, ngày 20.11.1953, Nava cho quân nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ, do nhận được tin tình báo Đại đoàn 316 của Việt Minh đang hành quân về phía Tây Bắc. Quân Pháp đã nhanh chóng xây dựng lòng chảo Điện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất chưa từng có ở Đông Nam Á.
Sau khi kế hoạch Nava được thông qua, ngày 27.7.1953, cuộc chiến tranh Triều Tiên cũng đồng thời chấm dứt bằng Hiệp định Bàn Môn Điếm. Đình chiến ở Triều Tiên đã ảnh hưởng đến ngay dư luận nước Pháp, phong trào phản chiến ở Pháp lên cao.
Đình chiến ở Triều Tiên cũng ảnh hưởng tới dư luận thế giới và quan điểm của các nước lớn trong việc giải quyết các cuộc chiến tranh khu vực. Vào thời điểm này, Liên Xô bắt đầu thực hiện chính sách ngoại giao hòa hoãn. Vì vậy, Liên Xô muốn đi đến một giải pháp hòa bình cho vấn đề Đông Dương để ngăn chặn Mỹ mở rộng cụôc chiến tranh ở Đông Dương. Đây là khu vực chưa phải là quyền lợi sát sườn của Liên Xô và ảnh hưởng của Liên Xô cũng chưa mạnh. Hơn nữa, Liên Xô còn nhiều việc phải làm sau khi Stalin mất (3. 1953) và có sự thay đổi trong Ban lãnh đạo cấp cao. Báo Sao đỏ của Liên Xô ra ngày 3.8.1953 viết “Đình chiến ở Triều Tiên cần thúc đẩy việc chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương” [2].
Về phía Trung Quốc, sau khi thoát khỏi cuộc chiến tranh Triều Tiên, đang muốn tập trung vào khôi phục kinh tế, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, củng cố chế độ dân chủ nhân dân, cũng chủ trương sớm giải quyết lập lại hòa bình ở Đông Dương, ngăn chặn đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, bảo đảm hòa bình và an ninh cho Trung Quốc ở phía Đông Nam. Sau khi Hiệp định Bàn Môn Điếm được kí kết, ngày 24.8.1953, Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố có thể thảo luận các vấn đề khác sau khi giải quyết vấn đề hòa bình ở Triều Tiên, trước đó ngày 4.8.1953, Liên Xô đã gửi công hàm đến các nước lớn gợi ý triệu tập một hội nghị 5 nước là Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc để bàn bạc đi đến giải pháp giảm bớt căng thẳng ở Viễn Đông. Như vậy, nếu được tham giải quyết cuộc chiến tranh ở Đông Dương thì Trung Quốc sẽ có cơ hội khẳng định vai trò của mình trên trường quốc tế với tư cách là một nước lớn.
Về phía Mỹ, Mỹ đặt Đông Dương trong phòng tuyến chống cộng của Mỹ ở Châu Á -Thái Bình Dương, như ngoại trưởng Dulles tuyên bố ngày 13 tháng Giêng 1954: "Đứng về chiến lược, quyền lợi của Mỹ ở vùng viễn đông gắn chặt với các đảo ở bờ biển vùng đó. Các đảo đó có hai cứ điểm ở trên lục địa: phía bắc là Triều Tiên và phía nam là Đông Dương".[3]Vì vậy, Mỹ tăng cường can thiệp và dính líu sâu vào Đông Dương, tiếp tục viện trợ cho Pháp và không muốn Pháp đàm phán với Việt Minh. Đầu tháng 10. 1953, Phó Tổng thống Mỹ Níchxơn sang thăm Việt Nam để năm bắt tình hình có tuyên bố “cuộc chiến chống lại Việt Minh có tầm quan trọng vượt qua khỏi biên giới Việt Nam”[4] và hứa với thực dân Pháp ở Đông Dương là “các bạn sẽ không phải chiến đấu mà thiếu sự giúp đỡ”[5]. Có thể nói, sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh Đông Dương sẽ làm cho tiến trình lập lại hòa bình ở Đông Dương càng khó khăn hơn.
Về phía ta, Đảng Lao động Việt Nam trước sau vẫn khẳng định cuộc chiến tranh chống lại thực dân Pháp là cuộc kháng chiến trường kỳ, tránh nguy cơ “hòa bình giả hiệu”. Ngày 2.9.1953, trong lời kêu gọi nhân Cách mạng Tháng Tám và ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “ Chúng ta bao giờ cũng chủ trương hoà bình. Nhưng chúng ta biết rằng cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ có thắng lợi mới tranh được hòa bình”[6].
Tình hình quốc tế và diễn biến của cuộc kháng chiến đến đây đã đặt ra ra cho cách mạng Việt Nam một thời cơ kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao. Đảng ta nhận định rằng: “Trong lịch sử, có nhiều cuộc khánh chiến do thương lượng hòa bình mà đi đến đình chiến. Chiến tranh Triều Tiên là một thí dụ. Hiện nay đường lối chung của phe ta trên thế giới là: dùng mọi cách để gây lại và tăng cường hòa hoãn quốc tế, giữ gìn củng cố hòa bình thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc” và “Vấn đề Việt Nam cũng như các vấn đề tranh chấp khác trên thế giới có thể giải quyết bằng cách thương lượng hòa bình” [7].
Từ nhận định trên, Đảng ta quyết định, mở cuộc tiến công trên mặt trận ngoại giao để phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954. Ngày 26.11.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời với báo Thụy Điển “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy mươi năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”, “Cơ sở của việc đình chiến tại Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của Vịêt Nam” và “ Việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp”[8]. Tại hội nghị hòa bình họp ở Viên (Áo) từ ngày 23 đến 28.11.1953, đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Lê Đình Thám đã chấp nhận cuộc thương lượng hòa bình ở Đông Dương. Như vậy, khả năng vừa đánh vừa đàm, khả năng kết hợp giữa đấu tranh quân sự và ngoại giao đã mở ra.
Giải pháp Giơnevơ là một biểu hiện cụ thể rằng Việt Nam là một nước nhỏ, lại thường xuyên phải đương đầu với các nước lớn xâm lược, lại đặt trong bối cảnh quan hệ quốc tế mâu thuẫn và môí quan hệ giữa các nước lớn tham dự hội nghị không kém phần phức tạp “trong đó sự thỏa hiệp của các nước tham dự hội nghị, trước hết là các nước lớn, kể cả những nước ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam” [9]. Cho nên cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do là lâu dài, gian khổ và phức tạp thì việc đấu tranh giành lấy thắng lợi từng bước là một vấn đề có tính qui luật cách mạng.
Việc kí kết Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954), Việt Nam đã thu được thắng lợi lớn: Chính phủ Pháp đã thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, thừa nhận quân đội Pháp sẽ rút khỏi nước ta…. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam mặc dù chưa kết thúc nhưng nó đã đặt một tiền đề pháp lý là Hiệp định Giơnevơ và một hiện thực rất quan trọng là miền Bắc nước ta được giải phóng làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam sau này. Kinh nghiệm kết hợp đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp đã được quân và dân ta vận dụng triệt để trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước về sau.
[1] Lưu Văn Lợi (1996), Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam, tập 1, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, tr 167
[2] Lưu Văn Lợi (1996), Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam, tập 1, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, tr 166
[3] Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, NXB CTQG, H.2005, tr 135-136
[4] Lưu Văn Lợi (1996), Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam, tập 1, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, tr 173
[5] [5] Lưu Văn Lợi (1996), Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam, tập 1, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, tr 173
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 555
[8] Hồ Chí Minh, (1996), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 169
[9] Lưu Văn Lợi (1996), Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam, tập 1, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, tr11
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn