Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Vì mối quan hệ khăng khít về địa lý, quân sự, chính trị... mà ta với Miên, Lào cũng như môi với răng”[1]. Truyền thống đoàn kết đó được Đảng phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong xây dựng và bảo vệ tuyến đường chiến lược Hồ Chí Minh nói riêng.
Nhằm phát triển thế chiến lược chủ động tiến công địch trên mặt trận ba nước Đông Dương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định xây dựng một tuyến đường vận tải chiến lược để chi viện cho chiến trường. Ngày 19-5-1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn Công tác quân sự đặc biệt (sau gọi là Đoàn 559) [2]. Đoàn có nhiệm vụ mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam để chuyển nhân tài, vật lực từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam, chiến trường Lào và Campuchia. Do đó tuyến đường vận tải chiến lược có các tên gọi: Đường Hồ Chí Minh, Đường 559, Đường Trường Sơn.
Xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh, lực lượng cách mạng đã tạo và phát triển thế chiến lược chủ động tiến công địch trên toàn chiến trường Đông Dương. Tuyến đường thực chất là một căn cứ kháng chiến, một hậu phương chiến lược vĩ đại, trực tiếp gắn bó với các chiến trường. Đây là một hệ thống giao thông huyết mạch nối liền ba nước cùng với hệ thống kho tàng, binh trạm, căn cứ vận chuyển từ hậu phương lớn miền Bắc Việt Nam đi tới các chiến trường của ba nước. Đặc biệt là chiên trường của hai nước Việt-Lào. Trên tuyến đường, bộ đội ba nước liên minh chiến đấu, phân công phối hợp giữ vững vùng trời, vùng đất cho hệ thống giao thông được thông suốt trong kháng chiến. Không có con đường Trường Sơn lịch sử-căn cứ địa dựa lưng vững chắc của ba nước thì khó bảo đảm được sự chi viện, hỗ trợ, liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc trong điều kiện chiến tranh ác liệt, trong hoàn cảnh các chiến trường xa nhau, mà địch thì tìm mọi cách chia cắt, cô lập từng chiến trường [3].
Quá trình mở đường, bảo vệ căn cứ hành lang trên tuyến đường là một quá trình gian nan nhưng đầy tự hào của quân và dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Từ cuối năm 1964, đặc biệt là từ đầu năm 1965, khi đế quốc Mỹ ngang nhiên tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đưa quân vào miền Nam và dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, yêu cầu chi viện cho miền Nam ngày càng lớn, nhiệm vụ mở đường vận chuyển, trong đó bao gồm cả đường vận chuyển cơ giới trở nên cấp bách.
Từ năm 1965 đến năm 1972, mạng lưới đường Trường Sơn ngày càng phát triển, vươn dài vào các chiến trường, từ Trị-Thiên tới Tây Nguyên và Nam Bộ, từ một tuyến dọc và một số tuyến ngang phát triển lên tới 4-5 tuyến dọc và hàng chục đường ngang, hàng trăm đường nhánh, đường vòng tránh, hình thành một thế trận cầu đường liên hoàn từ miền Bắc vào miền Nam; Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Nhờ có hệ thống mạng đường này, khả năng chi viện chiến trường hàng năm tăng lên rõ rệt. Các đơn vị vũ trang của ta ở miền Nam từ trang bị thô sơ, vũ khí tự tạo được trang bị đầy đủ các phương tiện hỏa lực: sóng bộ binh, pháo mặt đất, kể cả pháo có xe kéo, pháo cao xạ, các phương tiện kỹ thuật hiện đại khác như xe tăng, xe bọc thép... góp phần đánh thắng Mỹ-ngụy.
Tuyến đường Trường Sơn không chỉ trên đất Việt Nam, mà còn đi trên đất Lào và Campuchia, được nhân dân hai nước hết lòng giúp đỡ mọi mặt, chia sẻ khó khăn, nhường cơm, sẻ áo cho bộ đội Việt Nam. Ngược lại, tuyến đường vươn tới đâu, bộ đội công binh Việt Nam cũng như các đơn vị khác của Đoàn 559 lại cùng nhân dân Lào, nhân dân Campuchia đánh giặc, bảo vệ thôn xóm, khôi phục và phát triển sản xuất, xây dựng căn cứ cách mạng của bạn, góp phần xây đắp tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa nhân dân và quân đội ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Thắng lợi của quân dân ba nước Đông Dương trong năm 1972 đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (27-1-1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Hiệp định Viên Chăn (21-2-1973) chấm dứt chiến tranh ở Lào.
Để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế đối với Lào và Campuchia, tháng 11-1973, Hội đồng Chính phủ Việt Nam tiếp tục phê chuẩn thiết kế xây dựng hoàn chỉnh Đường Hồ Chí Minh trên cả hai tuyến Đông và Tây Trường Sơn. Riêng về phía Lào, Việt Nam chủ trương cải tạo một số tuyến Đường 20, Đường 16, khôi phục Đường 9 đến Mường Phia, Đường 25 từ Ka Nốt đến Xaravan, Đường 23 từ khu đến Pắc Xoòng, Tha Têng, Bản Phồn, ATôPư để tiếp viện cho cách mạng và nhân dân hai nước. Đảng, Chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào tiếp tục ủng hộ chủ trương của Việt Nam và có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ bộ đội Việt Nam xây dựng hoàn thiện tuyến đường theo kế hoạch.
Năm 1970, tuyến vận tải đã vận chuyển trên 5.000 tấn vũ khí, đạn dược phục vụ kịp thời cho lực lượng cách mạng Campuchia phối hợp với quân giải phóng miền Nam đập tan cuộc hành quân Chenlal của Mỹ-Thiệu-Lon Non. Năm 1973-1974, khối lượng hàng hóa, khí tài vận chuyển qua tuyển đường vào chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia gấp 3,8 lần những năm 1969-1972, tạo điều kiện cho cách mạng ba nước tiến lên giành thắng lợi quyết định.[4].
Qua 16 năm (1959-1975), đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài đến Lộc Ninh với tổng chiều dài đường bộ hơn 17.000 km (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000 km; đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km; đường thủy trên các sông Xê Băng Hiêng, Xê Kông, Mê Kông [5]... Cho đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn (30-4-1975), tuyến chi viện chiến lược Hồ Chí Minh (bao gồm Đông và Tây Trường Sơn), đã xuyên qua 20 tỉnh thuộc ba nước Đông Dương, tỏa ra các chiến trường; là sợi dây liên kết các chiến trường, là “khúc một” nối vói các tuyến vận tải của hậu phương lớn miền Bắc và các tuyến vận tải của các chiến trường ba nước Đông Dương, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững. Tuyến đường đã thực hiện vai trò xuất sắc đối với chiến trường của ba nước Đông Dương. Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có gần 1.400.000 tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược; hơn 5,5 triệu tấn xăng dầu; trên 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ được chi viện, hành quân từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam qua tuyến đường Hồ Chí Minh [6].
Tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hình thành và phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện sức người; sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, góp phần xây dựng, phát triển và nâng cao sức chiến đấu của quân và dân miền Nam Việt Nam nói riêng, quân và dân ba nước Đông Dương nói chung.
Đường Hồ Chí Minh không chỉ là biểu hiện ý chí sắt đá, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu hiện cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt cùng chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ của nhân dân ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia..
-----------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1], Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t.7, trang 385.
[2], [3], [4], [5], Bộ Quốc phòng: Đường Hồ Chí Minh – Khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nxb QĐND, H, 2010, Trang 20, 21, 568
[6], Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975, Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H.2000, trang 571.