Khác với Quốc tế I và Quốc tế II chỉ có các nước châu Âu và châu Mỹ tham gia, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) do V.I.Lênin sáng lập, ra đời và hoạt động gần một phần tư thế kỷ (từ tháng 3-1919 đến tháng 5-1943), không chỉ là tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân các nước TBCN phát triển mà còn đại biểu cho lợi ích của nhân dân bị áp bức ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Thông qua Cương lĩnh, Tuyên ngôn gửi những người vô sản toàn thế giới tại Đại hội I (3-1919); Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa; Những diều kiện kết nạp vào Quốc tế cộng sản (QTCS) tại Đại hội (tháng 7,8-1920)… QTCS coi việc chỉ đạo, giúp đỡ cách mạng thuộc địa là một trọng tâm trong sự nghiệp hoạt động của mình. Để thống nhất phương Tây vô sản với phương Đông bị áp bức, QTCS đã bổ sung khẩu hiệu của C.Mác và Ph.Ăngghen đề ra trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại” bằng khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và các dần tộc bị áp bức, đoàn kết lại!” tại Đại hội I các dân tộc Phương Đông (9-1920). Trong suốt quá trình tồn tại, QTCS thực sự là một tổ chức cách mạng quốc tế rộng lớn. QTCS đã bảo vệ, phát triển và gắn chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân trên phạm vi toàn thế giới; chỉ đạo việc thành lập Đảng kiểu mới và đào tạo đội ngũ cán bộ trung thành với lý tưởng cách mạng cho nhiều nước; xác định đường lối chiến lược, sách lược cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc trong từng giai đoạn cụ thể; góp phần bảo vệ nền hòa bình thế giới và nền văn minh nhân loại. Đối với cách mạng Việt Nam, QTCS đã ảnh hưởng tích cực và có những đóng góp vô cùng quan trọng. Tại Việt Nam, ngay sau khi ra đời, Ðảng đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh, tạo nên cao trào cách mạng rộng lớn trong những năm 1930 – 1931 làm rung chuyển chế độ thống trị của thực dân Pháp và tay sai. Trong điều kiện vừa mới ra đời, Đảng không tránh khỏi mắc phải một số sai lầm “tả” khuynh và hữu khuynh; sự lãnh đạo của một số cấp ủy địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của phong trào; thời cơ giành chính quyền chưa xuất hiện cho nên bị thực dân Pháp đàn áp và dìm các phong trào đấu tranh trong biển máu. Từ cuối năm 1931, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ khó khăn nhất, “chỉ trong thời gian ngắn, thực dân Pháp đã bắt giam 246.532 người. Riêng ở Bắc kỳ, từ 1930 – 1933, chúng đã mở 21 phiên tòa đại hình xử 1.094 án, trong đó có 64 án tử hình, 114 án khổ sai, 420 án lưu đày biệt xứ” [1].
Ký họa Hội nghị thành lập Đảng - Họa sĩ Phan Kế An Có thể thấy, do sự truy quét, vây ráp, khủng bố vô cùng tàn bạo của thực dân Pháp nên hầu hết các Ủy viên Trung ương, các xứ ủy viên, đều bị bắt hoặc bị sát hại, hàng trăm cán bộ, hàng ngàn đảng viên bị bắt bớ, tù đày, các tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở hầu hết bị tan rã hoặc tê liệt. Đảng đã ra thông báo: “Ngày 17-4-1931 cơ quan Trung ương bị phá, lần lượt các cơ quan xứ ủy cũng bị phá, cán bộ Đảng bị bắt, bị tù đày rất nhiều, làm cho Đảng ta một thời gian tạm thời mất các mối liên lạc, vì Đảng thiếu cán bộ chỉ huy ra lãnh đạo các cuộc đấu tranh của quần chúng lao khổ, nên phong trào cách mạng từ cuối năm 1931 tới năm 1932 ngoài mặt trông như đình đốn và rải rác” [2]. Đảng non trẻ phải đối mặt với khó khăn tổn thất quá lớn. Bên cạnh đó, tình hình khủng hoảng kinh tế kéo dài, nạn thất nghiệp trầm trọng, đời sống quần chúng vô cùng cơ cực. Không khí hoang mang, lo sợ bao trùm trong đời sống của nhân dân. Trước tình hình đó, QTCS và các tổ chức quần chúng của QTCS đã theo dõi sát sao, liên tục gửi thư cho Đảng Cộng sản Đông Dương, biểu dương tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân, thường xuyên chỉ đạo, uốn nắn kịp thời những vấn đề về chiến lược, sách lược, đồng thời, phê bình những hạn chế, thiếu sót, những biểu hiện “tả” khuynh cần khắc phục, hướng dẫn những kinh nghiệm, phương pháp đấu tranh và động viên những người cộng sản phải phấn đấu đưa phong trào tiến lên, coi thất bại trước mắt chỉ là tạm thời, cần tin tưởng vào thắng lợi ngày mai. Báo chí của QTCS đăng hàng loạt bài giá trị về cao trào cách mạng 1930-1931, lên án thực dân Pháp khủng bố trắng. Cũng trong thời gian này, những cán bộ đã học xong tại Trường Đại học Phương Đông được QTCS gấp rút bố trí về nước hoạt động. Các chiến sĩ cách mạng trung kiên trở về Tổ quốc, dũng cảm, mưu trí, khôn khéo thâm nhập vào quần chúng, chắp nối lại các cơ sở, gây dựng lại phong trào. QTCS còn phát động trong công nhân và nhân dân lao động thế giới một phong trào ủng hộ cách mạng Đông Dương, chống khủng bố trắng, đòi ân xá tù chính trị, đồng thời, chỉ thị cho các phân bộ đẩy mạnh những hoạt động thiết thực để giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương. Thực hiện chỉ thị của QTCS, các Đảng Cộng sản tuỳ vào điều kiện lịch sử cụ thể của mình, đã có những hoạt động phong phú để giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương về tinh thần, vật chất, kinh nghiệm đấu tranh, cung cấp sách báo mácxít. Đảng Cộng sản Pháp thực hiện chiến dịch tuyên truyền liên tục trên báo chí, tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ cách mạng Đông Dương, chống khủng bố trắng, đòi ân xá tù chính trị kết hợp với những cuộc điều tra tại Đông Dương, những cuộc đấu tranh của các nghị sĩ cộng sản Pháp và thắng lợi to lớn của Mặt trận nhân dân Pháp, đã đưa đến kết quả là hàng ngàn chiến sĩ cách mạng được thoát khỏi nhà tù đế quốc và trở lại hoạt động. Được sự giúp đỡ trực tiếp của Ban Phương Đông, tháng 6-1932, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thông qua Chương trình hành động-bản Cương lĩnh hành động của Đảng trong hoàn cảnh tạm thời thoái trào nhằm khẳng định lại những nhiệm vụ cơ bản trong Luận cương chính trị tháng 10-1930, đồng thời, đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong tình hình mới. Chương trình hành động là kim chỉ nam cho các đảng bộ về lý thuyết, tổ chức và thực hành. Bản Chương trình ra đời đã kịp thời củng cố lại phong trào, động viên toàn Đảng và các tổ chức quần chúng tiếp tục tiến lên thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Để kiên toàn ban lãnh đạo của Đảng, thực hiện quyết định của QTCS, tháng 3-1934, Ban Chỉ huy ở ngoài được thành lập, do Lê Hồng Phong đứng đầu. Ban có nhiệm vụ liên lạc giữa Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương với QTCS và các đảng cộng sản; tập hợp và đào tạo cán bộ; xuất bản Tạp chí Bônsơvích, cơ quan lý luận của Trung ương Đảng. Trong thực tế, Ban Chỉ huy ở ngoài làm nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của QTCS. Sự quan tâm của QTCS không chỉ đối với phong trào cách mạng Việt Nam, mà còn đối với sinh mệnh của lãnh tụ Đảng Nguyễn Ái Quốc một cách kịp thời và có hiệu quả. QTCS lên án mạnh mẽ những hành động phi pháp, những thủ đoạn đê hèn cùa đế quốc Anh, Pháp, yêu cầu tất cả các tổ chức chống chủ nghĩa đế quốc trên thế giới đấu tranh chống việc giao Nguyễn Ái Quốc cho Pháp và đòi trả tự do cho Người. QTCS thông qua Quốc tế Cứu tế đỏ, Quốc tế Cứu tế công nhân của Pháp, các tổ chức xã hội của Anh ra sức vận động, tích cực tìm mọi phương cách đưa Nguyên Ái Quốc ra khỏi nhà tù đế quốc Anh. QTCS còn bí mật nhờ đến Luật sư Francis Henry Loseby để giúp đỡ bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc. Đến cuối năm 1934, hầu hết các cơ sở đảng được tổ chức lại, Đảng Cộng sản Đông Dương và cách mạng Việt Nam vượt qua được những năm tháng khó khăn nhất. Có được thành tích như vậy trong một thời gian ngắn là nhờ đảng viên, quần chúng nhân dân chiến đấu dũng cảm, Đảng lãnh đạo đúng đắn, QTCS đã chỉ đạo và nỗ lực giúp đỡ theo nhiều hướng với nhiều hình thức phong phú, và sự giúp đỡ của các đảng cộng sản - các phân bộ của QTCS. Tháng 3-1935, Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức Đại hội I tại phố Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc), Đại hội thừa nhận Cương lĩnh chính trị (10-1930) và Chương trình hành động (2-1932). Đại hội phân tích: “Sự khôi phục hệ thống của Đảng là kết quả công tác có sáng kiến của các Đảng bộ và các chiến sĩ hạ cấp, sự tranh đấu dũng cảm của quần chúng, sự chỉ đạo và giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản”, “Đảng Cộng sản Đông Dương mà thành lập, phát triển và củng cố đều do Quốc tế Cộng sản hết sức giúp đỡ và chỉ đạo về đường lý thuyết và thực hành. Cũng nhờ có vai trò chỉ đạo ấy mà Đảng chúng tôi đã khôi phục được hệ thống khắp toàn Đông Dương và khai mạc cuộc đại biểu Đại hội lần thứ nhất này” [3]. Thành công của Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương với những quyết sách phù hợp đánh dấu thắng lợi căn bản qua 4 năm (1932 – 1935) đấu tranh khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, thống nhất phong trào đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, tạo thành sức mạnh, chuẩn bị những tiền đề chính trị - tư tưởng và cả tổ chức cho bước nhảy vọt trong hoạt động của Đảng những năm 1936 – 1939. Trong thành công đó, những đóng góp của Quốc tế Cộng sản là to lớn và quan trọng. Từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”. Lịch sử đã chứng minh đúng như vậy./.