Kỷ niệm 80 năm - Ngày Bác trở về (28/01/1941 - 28/01/2021)
ThS. Ngô Thị Thúy Mai – Khoa Xây dựng Đảng
2021-01-15T11:25:22+08:00
2021-01-15T11:25:22+08:00
//m88link.cc/vi/news/nghien-cuu-trao-doi/ky-niem-80-nam-ngay-bac-tro-ve-28-01-1941-28-01-2021-171.html
//m88link.cc/uploads/news/2021_01/bac-ho-ve-nuoc-hoa-si-trinh-phong-7-214940.jpg
M88 Link
//m88link.cc/uploads/banners/baner-chu-2022.jpg
Thứ sáu - 15/01/2021 11:17
Tác giả bài viết: ThS. Ngô Thị Thúy Mai – Khoa Xây dựng Đảng
Giữa lúc tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng, đặc biệt là sự ác liệt và quy mô rộng lớn của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang mở ra nhiều cơ hội cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có cách mạng Việt Nam. Ngay khi được tin phát xít Đức tấn công Pháp (tháng 6/1940), Chính phủ Pháp chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Nhận thấy cơ hội giải phóng cho dân tộc ta đang đến gần, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập ngay cuộc họp với các đồng chí trong Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, phân tích tình hình và chỉ rõ: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Để về nước hoạt động cần phải xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc. Càng không phải sự lựa chọn tình cờ, ngẫu nhiên, mà phải là một sự tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo các yêu cầu khách quan, khoa học trong xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Trước hết, căn cứ địa phải là nơi có vị thế chiến lược thuận lợi.
Thứ hai, căn cứ địa phải là nơi có cơ sở cách mạng, có phong trào quần chúng mạnh mẽ, sẵn sàng đứng lên xây dựng cơ sở, xây dựng căn cứ, bảo vệ và nuôi dưỡng cách mạng.
Thứ ba, căn cứ địa phải là nơi có điều kiện để tự cấp, tự túc, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về hậu cần tại chỗ cho căn cứ, nhất là nhu cầu tự cấp, tự túc về kinh tế.
Thứ tư, phải là nơi cơ cấu chính quyền của địch mỏng, yếu và lỏng lẻo, có lợi cho hoạt động của các lực lượng vũ trang cách mạng, bất lợi cho hoạt động của chính quyền địch.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Cao Bằng hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước, đủ điều kiện trở thành một trong những bàn đạp chiến lược đầu tiên của thời kỳ khởi nghĩa vũ trang giải phóng dân tộc.
Với nhận định đúng đắn đó, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Lòng xúc động bồi hồi khi được đặt chân lên dải đất quê hương, Người lặng đi trong phút giây thiêng liêng được trở về với Tổ quốc, với đồng bào sau gần 30 năm xa cách.
“Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất!
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”
“Người đi tìm hình của nước” (Chế Lan Viên)
Tranh "Bác Hồ về nước" - Họa sĩ Trịnh Phòng
Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình thế cách mạng thế giới, đặc biệt là phong trào “đánh Pháp, đuổi Nhật” của nhân dân ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhận thấy thời cơ thuận lợi đang đến gần, đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương phải có những quyết sách kịp thời, chỉ đạo sát sao, nhạy bén và tập trung hơn nữa để thúc đẩy phong trào quần chúng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu giải phóng dân tộc khi thời cơ đến. Với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Pác Bó (Cao Bằng). Trên cơ sở phân tích tình hình, Hội nghị đề cập nhiều vấn đề quan trọng như: cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là phát xít Pháp - Nhật và các lực lượng phản cách mạng tay sai cho chúng; nguyện vọng của nhân dân Đông Dương lúc này là đánh đuổi Pháp - Nhật, làm cho xứ Đông Dương độc lập. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, nêu cao khẩu hiệu giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và xác định chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn quân ta.
Hội nghị Trung ương lần thứ tám với sự chuyến hướng chiến lược, sách lược cách mạng trong việc giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ trong điều kiện cụ thể của Việt Nam chính là sự hoàn chỉnh nội dung các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và 7 trước đó. Sự chuyển hướng chiến lược một cách kịp thời, đầy sáng tạo này đã đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc, phù hợp với bối cảnh cụ thể của cách mạng nước ta. Đúng như tư tưởng về con đường của cách mạng Việt Nam đã được Nguyễn Ái Quốc nêu ra trong “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” (năm 1930), góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.
Mặt trận Việt Minh nêu rõ những chính sách cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, xã hội, ngoại giao,… dân nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, cùng nhau thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; làm cho dân Việt Nam được hoàn toàn sung sướng, tự do”. Ngày 6/6/1941, Người viết thư “Kính cáo đồng bào”, kêu gọi toàn dân đoàn kết: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng... Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên. Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật”
Sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời, dưới sự chỉ đạo của Người, phong trào cách mạng ở Cao Bằng được phục hồi nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong thời gian ngắn, hầu như các tổng, xã thuộc 3 châu (Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình) đã có cơ sở Việt Minh và tổ chức được đội tự vệ. Tháng 10/1941, Bác Hồ chỉ thị cho Đảng bộ Cao Bằng thành lập đội vũ trang tập trung (Đội du kích) đầu tiên của tỉnh, tiến tới thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22/12/1944). Cao Bằng trở thành một trong những vùng quan trọng của khu giải phóng Việt Bắc, là ngôi sao sáng của cách mạng cả nước.
Một tháng sau khi ra đời, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tích cực khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh đầu tiên. Với sự dũng cảm, mưu trí, táo bạo, chiều ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân bất ngờ đột nhập vào đồn Phay Khắt (thuộc xã Tam Lộng, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và sáng ngày 26/12/1944, đột nhập đồn Nà Ngần (thuộc xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) cách Phay Khắt 15 km, tiêu diệt gọn hai đồn địch, giết chết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của chúng. Chiến thắng vang dội ở Phay Khắt, Nà Ngần gây tiếng vang mạnh mẽ, làm nức lòng nhân dân, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cuộc đấu tranh vũ trang. Đồng thời, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng của quân và dân ta, gấp rút chuẩn bị mọi lực lượng để đón thời cơ, vùng dậy tổng khởi nghĩa trên cả nước, đạp đổ xiềng xích của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã từng khẳng định: “Vì sao Đội giành được thắng lợi lớn như vậy? Đó là nhờ thực hiện đúng những lời căn dặn của Bác Hồ khi thành lập, chính là những bài học thành công của Đội (...) đó cũng là những bài học kinh nghiệm cơ bản đối với quân đội ta”.
Từ mùa Xuân năm 1941, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo đã chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã tiếp tục mở đường đi tới những thắng lợi huy hoàng cho cách mạng Việt Nam, với mùa Xuân 1975 hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Vũ Anh, Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, năm 1986, tr.14-15.
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tập 7, tr.113
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tập 7, tr.470
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tập 3, tr.198