Là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở Bắc Tây Nguyên với 28 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê). Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa rất riêng, phong phú và đa dạng, biểu hiện sinh động trong hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như kiến trúc nhà, các loại nhạc cụ, vật dụng sinh hoạt, văn học nghệ thuật, luật tục, tín ngưỡng. Việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum là một nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm kê và lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Kon Tum; triển khai việc bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020; Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh; đầu tư liên kết và quảng bá phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020; Bảo tồn lễ hội truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum; Đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum; Đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng và một số đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa dân gian, tín ngưỡng truyền thống; sưu tầm, phục dựng các lễ hội truyền thống, sử thi… của đồng bào các DTTS tại địa phương.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện thời gian qua ngoài những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc tại chỗ ở tỉnh Kon Tum còn gặp nhiều khó khăn do tác động của nhiều nguyên nhân trong đó có thể đề cập đến một số nguyên nhân cơ bản sau:
Một trong những nguyên nhân cơ bản nhất là do sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi khiến cho quy trình sản xuất theo nông lịch nương rẫy thay đổi, kéo theo là việc từ bỏ các lễ nghi truyền thống gắn liền với nông lịch cũng mất đi. Cùng với đó cơ chế của nền kinh tế thị trường đã phần nào làm cho cấu trúc của văn hóa truyền thống bị phá vỡ, sự đa dạng của văn hóa tộc người bị mai một, văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung và dân tộc tại chỗ nói riêng đang đứng trước những thử thách lớn.
Bên cạnh đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS tại chỗ còn nghèo và khó khăn, trình độ dân trí thấp. Trong bộ bề lo toan đời sống vật chất nên việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình trở thành một thứ xa xỉ thứ yếu.
Không gian văn hóa bị tác động, xao trộn bởi làn sóng di dân ồ ạt, việc quy hoạch các công, nông, lâm trường cùng với việc tuyển dụng hàng loạt lao động từ các nơi vào xây dựng vùng kinh tế mới khiến rừng bị thu hẹp. Sự giao thoa văn hóa từ nhiều miền dịch chuyển về Kon Tum dẫn đến những vấn đề xung đột văn hóa, tôn giáo là khó tránh khỏi và sự tiếp thu văn hóa nghe nhìn trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách không có chọn lọc cũng là một tác nhân đáng kể khiến môi trường văn hóa dân gian càng có nguy cơ mai một. Ngoài ra, việc việc di chuyển đến nơi định cư mới để nhường chỗ cho các dự án công trình thủy điện cũng gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa của các dân tộc. Môi trường, không gian cư trú, tập quán lao động sản xuất thay đổi nên nhiều đặc trưng văn hóa bị ảnh hưởng….
Sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thực dụng đã đưa lớp thanh niên người DTTS tiếp cận nhanh chóng những trào lưu mới với lối sống hưỡng thụ, xa rời phong tục, tập quán truyền thống. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, các mạng xã hội không lành mạnh dẫn đến thế hệ trẻ ít quan tâm đến việc bảo tồn các phong tục, tập quán, các lễ nghi tín ngưỡng, các lễ hộ truyền thống, các loại nhạc cụ, làn điệu dân ca… Sự chi phối của nền kinh tế thị trường trong việc tổ chức các sự kiện. Các lễ hội văn hóa truyền thống ngày càng bị thương mại hóa, thiếu vắng sự sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Các tác phẩm văn hóa, văn học truyền thống, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ngày càng bị mai một.
Lực lượng nghệ nhân dân gian ngày càng thiếu vắng. Người lớn tuổi am hiểu về văn hóa dân gian mất dần. Các giá trị nghệ thuật không được ghi chép, truyền dạy cho các thế hệ sau (thất truyền). Công tác dạy lại thiếu tính hệ thống. Hoạt động thiết chế vùng đồng bào DTTS còn hạn chế. Vai trò của già làng- những người có uy tín, trong việc tổ chức các lễ hội hằng năm ngày càng thiếu hiệu quả.
Đội ngũ cán bộ chuyên môn về công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến di sản văn hóa còn hạn chế, nhất là ở cơ sở. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tổ chức không được thường xuyên. Khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng thành thị và nông thôn còn chênh lệch rất lớn. Cơ sở vật chất, sản phẩm, phương tiện văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn thiếu và lạc hậu…
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân tộc thiểu số hiểu về tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình. Nâng cao niềm tự hào của người dân về văn hóa dân gian của dân tộc tể từ đó họ có ý thức bảo vệ, phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống sẻ hiệu quả hơn nhiều nếu được chính thức người DTTS- chủ thể văn hóa- có ý thức tự giác bảo tồn chính cộng đồng của họ.
Thứ hai, khôi phục lại các lễ hội truyền thống tiêu biểu, môi trường diễn xướng của văn học nghệ thuật dân gian các DTTS, cũng chính là khôi phục lại “không gian văn hóa cồng chiêng” trong công đồng các dân tộc người Kon Tum. Thường xuyên mở các lớp truyền dạy và diễn tấu cồng chiêng, hát, kể sử thi… tại cộng đồng do chính thức các nghệ nhân am hiểu truyền dạy. Cần động viên bà con các làng tự chọn lấy một ngày hội cổ truyền của dân tộc mình, của địa phương mình hoặc lễ hội của dân tộc để tự nguyện đóng góp, tổ chức thường niên cho cả cộng đồng, những năm đaàu nên có sự hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn của chính quyền và ngành văn hóa địa phương để các loại hình văn hóa dân gian truyền thống được phát huy.
Thứ ba, cần có các chuyên gia là người dân tộc thiểu số hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân gian của các dân tộc để làm công tác khảo sát, nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đầu thời tăng cường đầu tư về nhân lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa gặp không ít khó khăn do đội ngũ cán bộ chuyên môn còn thiếu, nhất là cán bộ chuyên trách ở cấp cơ sở, nơi di sản văn hóa từng ngày đang chịu sức ép của quá trình hội nhập và phát triển.
Thứ tư, tiếp tục sưu tầm, đánh giá, phân loại di sản. Tiến hành quy hoạch bảo tồn, phát huy và phát triển di sản gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an nninh của tỉnh. Đặc biệt, cần chú trọng phát huy giá tri di sản trong phát triển du lịch, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiế, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Thứ năm, có chính sách ưu tiên trong việc đào tạo học sinh DTTS, tăng cường công tác vận động học sinh đến trường, lớp và đào tạo tiếng nói, chữ viết dân tộc, văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ cho học sinh DTTS.
Thứ sáu, các cấp các ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các hoạt động văn hóa của các dân tộc. Khuyến khích, tìm hiểu và có kế hoạch hỗ trợ hoặc kêu gọi tài trợ cho các hoạt động không chỉ về tiền bạc mà cả địa điểm tổ chức, quảng bá… Hằng năm, ngân sách của địa phương cần dành kinh phí đâì tư cho các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Đối với Kon Tum, một tỉnh có nhiều dân tộc tại chỗ sinh sống, do có nhiều lợi thế phát triển du lịch, việc đầu tư bảo tồn văn hóa dân gian các dân tộc chính là giữ gìn và gia tăng các giá trị tiềm năng về tài nguyên du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch bền vững.
Như vậy, giá trị văn hóa các dân tộc tại chỗ ở tỉnh Kon Tum với nền văn hóa phong phú, độc đáo và hết sức đặc sắc, thì việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc tại chỗ ngày càng trở nên đặc biệt cần thiết trong điều kiện hiện nay. Nếu làm tốt được điều này thì không những chúng ta có thể giữ gìn những nét văn hóa riêng đáng tự hào của các dân tộc tại chỗ, mà còn phát huy được sức mạnh tiềm tàng vốn có của nó từ bao đời nay, góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.