Sinh ra và lớn lên trước cảnh nước mất, nhân dân Việt Nam rơi vào cảnh thống khổ lầm than, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) quyết tâm đến tận “sào huyệt” của chủ nghĩa tư bản để tìm hiểu hòng tìm ra con đường cứu nước.
1. Hành trình ra đi tìm đường cứu nước
Bắt đầu từ Huế, tháng 5 năm 1909, Nguyễn Tất Thành xuất phát từ Huế và đi theo cha mình là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào huyện Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định. Tháng 9 năm 1909, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ dạy tại Trường tiểu học Pháp - bản xứ Quy Nhơn theo chương trình lớp cao đẳng.
Sau khi cha ông là Nguyễn Sinh Sắc bị miễn nhiệm tại tỉnh Bình Định, Nguyễn Tất Thành buộc phải thôi học ở trường Quốc học Huế và trở thành thầy giáo tại Phan Thiết.
Tháng 8 năm 1910, Nguyễn Tất Thành rời Quy Nhơn, đi vào Sài Gòn. Từ nửa sau tháng 9 năm 1910 đến trước tháng 2 năm 1911, Nguyễn Tất Thành dạy học ở trường Dục Thanh thuộc tỉnh Phan Thiết (nay là tỉnh Bình Thuận).
Ngày 2 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành xin làm việc ở tàu Đô đốc Latouche-Tréville của hãng vận tải Hợp nhất (Compagnie des Chargeurs réunis), thường được gọi nôm na là hãng Nǎm Sao đang chuẩn bị rời Cảng Sài Gòn đi Marseille, Pháp. Lúc tàu này cập cảng Sài Gòn. Ông xuống tàu và gặp viên thuyền trưởng tên là: Lui E-du-a Mai-sen. Ông thuyền trưởng hỏi rằng anh có thể làm được việc gì? Ông trả lời: Tôi có thể làm bất cứ công việc gì. Sau đó thuyền trưởng nhận Thành vào làm phụ bếp.
Ngày 3 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc ở tàu Đô đốc Latouche-Tréville, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới là Văn Ba. Lúc này trên tàu cũng có một người thủy thủ Việt Nam làm việc có tên gọi là Nguyễn Văn Ba. Lương của Hồ Chí Minh được lãnh là 50 franc Pháp, trong khi những người bồi bàn Pháp làm việc rất nhàn nhã lãnh lương gấp 3 lần lương của ông.
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ Bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành trong công việc là người phụ bếp chính thức lên đường sang Pháp trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville để tìm "tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi"
2. Tiếp thu học thuyết Mác - Lê nin
Từ nǎm 1911 đến nǎm 1920, Nguyễn Tất Thành đã đến nhiều nước ở bốn châu lục là châu Âu, châu Phi , châu Mỹ, châu Á, để nghiên cứu và học hỏi để tìm đường cứu nước. Nǎm 1919 các nước đế quốc thắng trận họp Hội nghị Véc-xây (Versailles) để phân chia thị trường thế giới. Nhân dịp này Nguyễn Ái Quốc (tên mới của Nguyễn Tất Thành) thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, đã gửi tới Hội nghị Véc-xây bản yêu sách “tám điểm” đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam.
Tháng 7 nǎm 1920 qua báo Nhân đạo (L'Humanité- Pháp), Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I Lê nin. Sau này nhớ lại với niềm vui sướng khôn tả, Hồ Chí Minh viết: "Luận cương của V. I Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ.! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta.
Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất của nhân dân Đông Dương tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tua (Tours). Tại Đại hội này Nguyễn Ái Quốc đã bảo vệ chủ nghĩa Mác, chống lại những người cơ hội, tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, kêu gọi giai cấp công nhân và nhân dân Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa khác. Tại Đại hội này Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Như vậy là trong quá trình tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc đã đi qua bốn châu lục, khảo sát nhiều nước thuộc địa và những nước tư bản tiên tiến điển hình thời bấy giờ, đã tiếp xúc nhiều người, nhiều nhà tư tưởng nhưng tất cả chưa mang lại lời giải cho cách mạng Việt Nam, chỉ có Lê nin và Quốc tế III là ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng thuộc địa, nên trong tác phẩm Đường Cách Mệnh Người chỉ rõ: bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mã khắc tư và Lê nin.
Người đã tham gia nhiều hoạt động thực tiễn và lý luận rất sôi nổi như: tham gia Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, tham gia sang lập Hội Liên hiệp thuộc địa, viết bài và tham gia xuất bản báo (tờ Le Paria), viết bài tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê nin về Việt Nam và các nước thuộc địa.
Như vậy là đã rõ, khi tiếp cận được chủ nghĩa Mác - Lê nin, Nguyễn Ái Quốc từ người yêu nước trở thành người cộng sản và đã dứt khoát lựa chọn con đường đi theo chủ nghĩa xã hội cho cách mạng Việt Nam, theo quỹ đạo của cách mạng vô sản. Tuy đã là người cộng sản và tin theo chủ nghĩa Mác – Lê nin nhưng con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản là thế nào? thì năm 1920 Nguyễn Ái Quốc chưa thể hình dung được.
Chính trong quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú đó, với sự mẫn tiệp về chính trị, cùng với sự am tường sâu sắc về lý luận và thực tiễn và đặc biệt hơn là sự vững vàng, bản lĩnh và rất dũng cảm Nguyễn Ái Quốc đặt vấn đề rằng: học chủ nghĩa Mác - Lênin là học cái tinh thần cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết những vấn đề của cách mạng nước ta.
3. Ý nghĩa của việc tìm ra con đường cứu nước
Năm 1920 khi Hồ Chí Minh bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lê nin thì vào giai đoạn này, Việt Nam thuộc quyền thống trị của thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa, nổi dậy đã diễn ra nhưng thất bại. Nhiều xu hướng cải cách, đổi mới được dấy lên nhưng cũng chưa đạt kết quả khả quan. Trong thời gian này, có nhiều lý thuyết, nhiều chủ nghĩa, nhiều con đường và phương pháp để đấu tranh, thời điểm này cũng có nhiều người Việt Nam đi ra nước ngoài theo nhiều diện khác nhau.
Từ việc tìm hiểu, nghiên cứu những bài học lịch sử và khảo nghiệm thực tiễn, Nguyễn Tất Thành thấy rằng mọi cách tiến hành ở trong nước, hay đi ra nước ngoài, sang Trung Quốc, hay Nhật Bản (phong trào Đông Du) đều không đạt kết quả tốt. Vì muốn: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu.
Sự kiện Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước vào 05/6/1911 có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trước hết thể hiện sự thính nhạy về thực tiễn tình hình với sự lựa chọn hành trình xuất phát từ thành phố Sài Gòn. Đây là bước ngoặt lớn, việc Hồ Chí Minh chọn Sài Gòn sau này được lý giải là do lúc bấy giờ Sài Gòn là cửa ngõ của xứ Nam Kỳ có những công ty tàu biển lớn chạy đường Pháp - Đông Dương rất thuận lợi cho việc sang Pháp. Đây cũng là nơi tự do hơn các xứ khác ở Việt Nam trong việc đi lại, tìm kiếm công ăn việc làm, dễ kiếm cơ hội xuất ngoại. Sài Gòn, nơi ông dừng chân trong thời gian ngắn nhất nhưng lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước do được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa dạng làm cho chủ nghĩa yêu nước của con người Việt Nam phát triển, mà sau này đã trở thành biểu tượng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, và trong cuộc tái thiết và phát triển đất nước lên xã hội chủ nghĩa. Nhưng ở độ tuổi 21 - người thanh niên của vùng xứ Nghệ cách Sài Gòn hàng nghìn km của thời cát cứ phong kiến, đi lại khó khăn của những năm đầu thế kỷ 20 ở nước ta mà nhìn ra và chọn thành điểm xuất phát để đi nước ngoài đó quả là một sự thấu suốt kinh ngạc.
Thứ hai, cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ đã tạo nên những bước ngoặt lớn trong cách mạng Việt Nam, đã làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.
Thứ ba, việc lựa chọn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Lê nin đã mở ra ở Cách Mạng tháng 10 năm 1917 đã đem lại những thành tựu vĩ đại trong thực tế cho nước ta như: hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, với thắng lợi của Cách mạng tháng 8 - 1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 giải phóng Miền Bắc, chiến thắng 30/4/1975 giải phóng đất nước. Tiến hành cách mạng XHCN với sự nghiệp đổi mới 33 năm qua thành công, đem lại những thành tựu trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, tính đến cuối năm 2018 tăng trưởng kinh tế nước ta đạt 6,98%, thu nhập bình quân của người Việt 2640 USD, tuổi thọ người Việt đạt 73 tuổi, 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt phổ cập trung học cơ sở....
Dù đã đi xa, nhưng người chiến sỹ cộng sản kiên trung và dũng cảm Nguyễn Ái Quốc, đã để lại cho chúng ta một mẫu mực trong việc nhanh nhạy với tình hình thời cuộc, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện nước ta, từ đó định hướng cho sự nghiệp đổi mới hiện nay ở nước ta, hướng vào mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh mà Đảng ta đang phấn đấu./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn