Việt Nam là một quốc gia gồm nhiều dân tộc. Trong đó, hầu hết các dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú trên địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời, thống nhất trong đa dạng.
Thực hiện chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là một bộ phận hữu cơ trong hệ thống chính sách quốc gia, không thể tách rời với sự phát triển chung của đất nước, nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia cả về khía cạnh chính trị, kinh tế và xã hội. Thực hiện chính sách dân tộc còn thể hiện mục tiêu công bằng trong xã hội, là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa; thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cả nước đối với những đóng góp của đồng bào dân tộc trong sự nghiệp cách mạng giành và giữ nền độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 9.689,61km2; dân số khoảng 552.392 người[1], DTTS 292.373 người chiếm 53,65% với 43 dân tộc anh em sinh sống[2], trong đó có 7 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê). Toàn tỉnh hiện có 09 huyện, 01 thành phố với 102 xã, phường thị trấn, gồm: 25 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, 28 xã khu vực II và 49 xã khu vực III[3]; đến 2020 có 53 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 48 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135[4]; có 3 huyện được phê duyệt vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020 là: huyện Kon Plông, huyện Tu Mơ Rông và Ia H’Drai[5].
Tổng số hộ nghèo đến cuối 2019 là 18.858 hộ, chiếm tỷ lệ 13,62% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 17.649 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 24,93% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Hộ cận nghèo: 8.809, chiếm tỷ lệ 6,36% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 7.998 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 11,30% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh[6].
Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, qua đó đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong Nhân dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia và thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc.
Quá trình thực hiện chính sách dân tộc đều được công khai dân chủ từ cơ sở, lấy ý kiến từ thôn, làng, người dân và lựa chọn bình xét theo thứ tự ưu tiên nên nội dung đầu tư, hỗ trợ đã bám sát với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu nguyên vọng của người dân, được Nhân dân đồng tình tham gia, hưởng ứng.
Một nghệ nhân dân tộc Gia Rai ở huyện Sa Thầy với nghề đan lát truyền thống. Ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum
Trong điều kiện nguồn lực địa phương còn hạn chế, ngoài nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án từ ngân sách Trung ương, tỉnh đã quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các nội dung, hoạt động trọng tâm của từng chương trình, huy động nguồn vốn ODA, Chính phủ Ai Len... qua đó góp phần nâng cao kết quả thực hiện các chính sách dân tộc.
Các chính sách địa phương ban hành nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, thu nhập cho bà con nhân dân như: Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông (Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2013/QĐ-UBND ngày 16/8/2013 của UBND tỉnh Kon Tum), Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền (Ban hành kèm theo Quyết định số: 07/2012/QĐ-UBND ngày 01/02/2012 của UBND tỉnh Kon Tum). Các đề án này đã được đầu tư đồng bộ trong thời kỳ kiến thiết cơ bản ban đầu, các hộ dân nghèo có đất, có lao động và người dân đều hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, chủ trương chính sách của Đề án, ý thức làm chủ vườn cây, coi đó là tài sản để thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.
Kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, cụ thể: Kinh tế xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phục vụ đời sống dân sinh, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Bên cạnh những thành tựu, việc thực hiện chính sách dân tộc ở Kon Tum thời gian qua còn những hạn chế nhất định:
Công tác phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện chính sách dân tộc ở một số cấp ủy, chính quyền, địa phương còn hình thức, nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc dẫn đến một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa phát huy tính chủ động để vươn lên thoát nghèo, sử dụng vốn kém hiệu quả. Đời sống của Nhân dân một số nơi, nhất là đồng bào DTTS còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững.
Công tác tham mưu, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc có lúc chưa kịp thời, tiến độ còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, cụ thể: Công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện chính sách dân tộc có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, còn thiếu kỹ năng trong cung cấp thông tin, vận động dẫn đến vẫn còn một số người dân chưa hiểu hết được tính ưu việt của chính sách đối với hộ nghèo DTTS và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội..; Đề án của các huyện, thành phố xây dựng xác định nhu cầu vốn vay không sát thực tế, một số hộ được thụ hưởng chính sách nhưng đang còn dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo ở mức tối đa; việc phê duyệt danh sách chi tiết hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ và đăng ký vay vốn của UBND huyện, thành phố còn chậm...Số hộ nghèo ở các địa phương có sự thay đổi, biến động theo từng năm, do đó, danh sách đối tượng thụ hưởng được rà soát, phê duyệt Đề án so với thời điểm thực hiện có phần không còn phù hợp; một số hộ khi phê duyệt Đề án là hộ nghèo, nhưng năm tài chính thực hiện lại không thuộc hộ nghèo (đã thoát nghèo) không thuộc diện hỗ trợ, vay theo quy định hoặc đang còn dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo ở mức tối đã làm ảnh hưởng đến việc giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách, ảnh hưởng đến công tác tổ chức, triển khai thực hiện[7].
Trong khi đó, cơ chế chính sách, hướng dẫn của Bộ, ngành ở trung ương chậm và thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chỉ đạo điều hành, tiến độ xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm. Đặc biệt, ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ kế hoạch vốn các năm đầu giai đoạn, công tác trình thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn cho các dự án khởi công mới.
Một số chương trình, chính sách thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi còn dàn trải, thời gian thực hiện ngắn (đa số chính sách chỉ có thời hạn 5 năm) chưa hiệu quả. Nguồn kinh phí được Trung ương phân bổ cho địa phương chậm, thiếu hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn trong thực hiện. Việc huy động các nguồn lực khác còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc triển khai thực hiện một số chính sách gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Một số chính sách chưa thực sự tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, chưa phát huy được thế mạnh của địa phương (về tài nguyên rừng và đất rừng, điều kiện khí hậu tự nhiên,...); nguồn lực thực các chính sách chủ yếu từ ngân sách trung ương cấp về theo từng chương trình, dự án, chính sách và định mức của trung ương quy định nhưng vẫn chưa kịp thời và đầy đủ, nguồn lực huy động chưa được nhiều; các chính sách tập trung vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chủ yếu là cấp phát/cho không nên tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa nhân rộng được các mô hình sản xuất hiệu quả để tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo .
Trong thời gian tới, vẫn còn một số khó khăn đặt ra đối với việc thực hiện chính sách dân tộc ở Kon Tum:
Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn; tình trạng di cư tự do, tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa được giải quyết; khoảng cách giàu nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn so với vùng phát triển có xu hướng gia tăng; vùng đồng bào DTTS và miền núi là vùng được hưởng lợi từ thành quả đổi mới ít hơn, dễ bị ảnh hưởng bởi những mặt trái của cơ chế thị trường và biến đổi khí hậu, rất cần được sự quan tâm đầu tư để phát triển hơn nữa.
Biến đổi khí hậu, cùng với sự diễn biến bất thường của thời tiết gây nên thiên tai bão lũ, sạt lở đất, hạn hán tác động xấu đến vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Một số hộ gia đình phải di dời nhà cửa để xây dựng các công trình trọng điểm (đường sá, cầu cống...) đời sống chưa ổn định, gặp nhiều khó khăn.
Tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, ma túy và phong tục tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ tác động xấu đến đời sống nhất là suy thoái giống nòi và giảm chất lượng dân số.
Địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn là nơi xa xôi cách trở, biên giới thuận lợi cho các loại tội phạm lẩn trốn, hoạt động, gia tăng nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc ở Kon Tum trong thời gian tới cần triển khai một số giải pháp:
- Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để kẻ xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây rối, làm mất ổn định an ninh chính trị-trật tự xã hội trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 14-02-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số:
Ưu tiên các lĩnh vực phát triển hạ tầng cơ sở, thông tin truyền thông, y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo; có giải pháp giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất. Chủ động chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, có giá trị kinh tế để hỗ trợ, vận động Nhân dân đưa vào trồng, chăn nuôi gắn với tăng cường giải quyết đầu ra cho sản phẩm; động viên, khuyến khích đồng bào DTTS tích cực lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Tập trung rà soát, bổ sung, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch khu dân cư, khu sản xuất ở các thôn, làng có đông đồng bào DTTS, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS, đồng thời khuyến khích và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại chỗ, nhằm tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn.
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 23-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV “về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2016-2020”. Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học của học sinh những vùng có đông đồng bào DTTS. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào DTTS.
Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.
Thực hiện có hiệu quả công tác sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các di sản, bản sắc văn hóa, nghề truyền thống tiêu biểu của các DTTS; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng DTTS.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và tăng cường củng cố hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng ở vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục triển khai, từng bước đổi mới và nhân rộng các mô hình, điển hình các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã theo Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19-8-2016 của Tỉnh ủy “về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới”. Chú trọng công tác phát triển đảng viên là người DTTS gắn với xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng cốt cán, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Chủ động nắm chắc tình hình Nhân dân, chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo.
- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cho phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng dân tộc. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động.
- Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng dân tộc và miền núi. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ, kích động, lôi kéo, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái pháp luật.
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS: Quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị và cán bộ làm công tác dân tộc ở các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở đảm bảo đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn hiện nay.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện các chương trình, chính sách, đề án ở vùng dân tộc và miền núi.
Như vậy, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho bà con nhân dân các dân tộc, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, qua đó ngăn ngừa âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng sự khó khăn, bất an trong cuộc sống của bà con để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Việc nhận thức, đánh giá đúng tình hình thực tiễn để triển khai có hiệu quả chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là việc làm hết sức cần thiết và phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị địa phương.
[1] Văn bản số 105/UBND-KGVX ngày 10/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
[2] Nguồn tổng hợp sơ bộ kết quả tổng điều tra năm 2019 của Tổng Cục Thống kê.
[3] Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn ĐBKK, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020
[4] Quyết định số 414/QĐ-UBDT ngày 11/7/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn ĐBKK vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 958/QĐ-UBDT ngày 13/12/2019 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc công nhận danh sách thôn ĐBKK hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020
[5] Quyết định 275/QĐ-TTg ngày 07 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ
[6] Quyết định số 1425/QĐ-UBND ngày 13/12/2019 về Phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum, năm 2019.
[7] Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum (2020): Báo cáo Kết quả thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 30/10/2016 về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn