M88 Link: Trang Chủ

Căn cứ địa cách mạng ở Kon Tum với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn

Thứ hai - 03/07/2023 16:05

Nguồn tin: Nguyễn Thị Hiền- Khoa Xây dựng Đảng

Từ giữa năm 1958, Liên khu ủy 5 đã đề ra phương hướng xây dựng Tây Nguyên và miền núi các tỉnh trong Liên khu thành căn cứ cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT), bán vũ trang ở miền núi để làm nhiệm vụ tự vệ, bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ. Tháng 3- 1959, Bộ Chính trị ra Chỉ thị về“ Nhiệm vụ xây dựng căn cứ cách mạng Tây Nguyên”. Chỉ thị nêu rõ: “ Nhìn chung thì cả Tây Nguyên là căn cứ chính của miền Nam”[1] .
Kon Tum là một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng ở phía Bắc của Tây Nguyên. Nó có vị trí đặc biệt không chỉ về hành lang chiến lược nối Khu 5 với hậu phương lớn miền Bắc XHCN, giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh đồng bằng, mà còn đối với các chiến trường Đông Dương. Kon Tum có ngã ba Đông Dương gần đường 14 và cả tuyến biên giới dài 280km với hai nước bạn Lào và Campuchia.
Kon Tum có núi non trùng điệp, địa hình hiểm trở, nhân dân có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, dám chịu đựng gian  khổ hy sinh, lại có kinh nghiệm xây dựng căn cứ địa trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp… Đấy là các yếu tố nội lực rất cơ bản để quân và dân Kon Tum xây dựng căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ.
Tháng 9- 1959, Kon Tum bắt đầu nhận được sự chi viện về sức người và vũ khí của Trung ương. Ngày 1-10-1959, đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh được thành lập, với thành phần chủ yếu là thanh niên các dân tộc trong tỉnh. Các huyện cũng bắt đầu xây dựng lực lượng quân sự và Ban quân sự. Đến cuối năm 1960, phong trào cách mạng ở Kon Tum đã phát triển mạnh. Toàn bộ 250 bản làng với gần 40.000 dân vùng căn cứ nhất tề nổi dậy cắt đứt hoàn toàn quan hệ với bộ máy chính quyền Sài Gòn, chuyển lên vũ trang, bố phòng đánh địch, lập ra ủy ban tự quản. Cả một vùng làm chủ liên hoàn bao gồm H29 (KonPlong), H30 (Đông huyện Đăkglei), H40 (Tây huyện Đăkglei),H67 (huyện Sa Thầy và một phần huyện Ngọc Hồi),H80 (Huyện ĐăkTô và Tu Mơ Rông) nối thông với căn cứ các tỉnh Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Atôpư của Lào, Ratanakiri của Campuchia. Sang năm 1961,  được sự trợ giúp của bộ đội chủ lực Khu 5, hoạt động quân sự ở các huyện trong tỉnh Kon Tum tiếp tục giành được thắng lợi lớn.
Tại Đăkglei, đến tháng 9-1961, lực lượng vũ trang cách mạng đã bức rút được một số cứ điểm của địch, nhờ đó đã mở thông được tuyến hành lang Bắc- Nam (đường 559), đoạn ngang qua tỉnh Kon Tum. Tuyến hành lang này vốn là đường giao liên Trường Sơn, được Trung ương tăng cường lực lượng, xây dựng thành hành lang chiến lược, nằm trong hệ thống Đường 559, mang tên CO2 Tây Bắc. Từ tuyến đường chính này, quân và dân Kon Tum đã mở một hệ thống vận tải cơ giới quân sự chiến lược đi đến nhiều địa bàn trong tỉnh. Đến cuối năm 1964, trên tuyến đường này bắt đầu có ô tô vận chuyển vũ khí, đạn dược từ Vĩnh Linh (Quảng Trị) qua Đăk Chưng đến Ta Pók (H40), chạy dọc theo biên giới Việt – Lào dài 300km đến tận ngã ba Đông Dương, cung cấp vũ khí, lương thực, phương tiện chiến tranh phục vụ cho chiến trường Tây Nguyên và miền Nam. Đường hành lang chiến lược phía Tây Trường Sơn được mở ngang qua phía Tây Kon Tum và chạy thông suốt qua vùng căn cứ H40, H67, vào tận Gia Lai. Hành lang Đông –Tây cũng được mở vượt qua đường 14 ở phía Tây Khâm Đức (Quảng Nam), qua xã Đăkpeng, Đăk nông (Ngọc Hồi, Kon Tum) nối với trục chính của Đoàn 559, sát biên giới Lào và Campuchia, tạo thành thế liên hoàn vững chắc của tuyến vận tải chiến lược. Ngoài ra còn có các trục ngang 128A, 128B nối liền Kon Tum và Atôpư (Lào) tạo được thế liên hoàn cho căn cứ kháng chiến của hai nước. Tỉnh Kon Tum cũng đã hoàn thành Đường 220 vượt qua Đường 14- đoạn giữa Kon Ko đến Đăk Đoa (Gia Lai) giáp Đường 19- đoạn Pleibông (Gia Lai). Con đường này bảo đảm cho chuyển quân đánh vu hồi và không chỉ chia cắt con đường tiếp tế sinh tử số 14 của địch ở Tây Nguyên mà còn ép chúng co cụm vào các thị xã Kon Tum và Pleiku.
Với tổng chiều dài trên 150 km của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đi ngang qua địa bàn tỉnh và các trục đường cơ giới dọc ngang mở từ tuyến đường này, đã tạo điều kiện thuận lợi lớn để Kon Tum không ngừng mở rộng và  phát triển hệ thống đường giao thông vận tải quân sự chiến dịch, mở rộng và củng cố vùng căn cứ tại chỗ theo yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến. Nhờ đó, dù cho kẻ địch tìm mọi cách bao vây, đánh phá nhưng căn cứ địa cách mạng ở tỉnh Kon Tum vẫn tồn tại và phát triển. Đến cuối năm 1972, vùng căn cứ địa cách mạng ở tỉnh Kon Tum đã hoàn chỉnh,  nối liền với tỉnh Gia Lai và các tỉnh duyên hải miền Trung; với hai nước bạn Lào và Campuchia, tạo ra thế và lực mới để phát triển cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Trên cơ sở vùng giải phóng ngày càng được mở rộng và củng cố vững chắc, căn cứ địa cách mạng ở tỉnh Kon Tum đã chở che, bảo vệ cho đường Hồ Chí Minh và tạo điều kiện cho tuyến vận tải chiến lược này mở các tuyến dọc ngang để vận chuyển quân chủ lực, lương thực, binh khí kỹ thuật đến các chiến trường. Nhân dân ở các địa bàn H30, H40, H67  hết lòng giúp đỡ bộ đội Trường Sơn trong việc đưa đón cán bộ, vận chuyển lương thực, bảo vệ tuyến hành lang chiến lược này. Chỉ tính riêng trong những tháng cuối năm 1967, đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đóng góp trên 10 vạn ngày công cho chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Có lúc đường bị tắc hàng tháng, “khách” đọng lại hàng trăm người nhưng đồng bào các dân tộc vẫn cung cấp đủ lương thực và một phần thực phẩm cho “khách”.  Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ với tinh thần “Tất cả để giải phóng miền Nam”, hàng vạn dân công của Kon Tum ngày đêm chặt cây, phá đá, nối dài các con đường chiến dịch, chiến lược vưon xuống các tỉnh đồng bằng duyên hải và bao quanh các cứ điểm quân sự của địch ở Đăk Tô- Tân Cảnh, Kon Tum- Pleiku để các đoàn xe chở các binh đoàn và binh khí kỹ thuật từ hậu phương nối nhau ra tiền tuyến. Đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đã chung lưng đấu cật cùng bộ đội gùi đạn, tải lương ra tiền tuyến, vận chuyển thương binh, chiến lợi phẩm về  phía sau. Trong những năm tháng hào hùng đó, hầu như bản làng nào cũng vang lên  tiếng chày giã gạo thâu đêm, chuẩn bị lương thực cho bộ đội ăn no, đánh giặc. Cùng với nhân dân, LLVT của tỉnh Kon Tum vừa đánh giặc giữ làng, bảo vệ tốt căn cứ hành lang; vừa phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực đánh trả quyết liệt các cuộc hành quân càn quét hòng phong tỏa tuyến hành lang chiến lược 559, xóa vùng căn cứ bàn đạp Khu 5 và khóa chặt biên giới của địch. Trong đó, có những trận đánh gây chấn động lớn như  trận ngăn chặn địch mở đường để đánh vào khu căn cứ Măng Xim của Khu ủy 5; phá kế hoạch mở lại đường 14 từ Giá Vụt (Quảng Ngãi) đi Măng Đen (Kon Tum)…
 Có thể nói, tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh và căn cứ địa ở Kon Tum có mối quan hệ tác động tương hỗ. Đường Hồ Chí Minh được hình thành để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lực lượng, lương thực, binh khí kỹ thuật, góp phần củng cố và mở rộng vùng căn cứ. Ngược lại, căn cứ địa cách mạng ở Kon Tum, với tinh thần cách mạng của quân, dân các dân tộc  và địa hình đặc thù của địa phương, đã bảo vệ tuyến đường đoạn qua Kon Tum thông suốt, tạo điều kiện cho tuyến vận tải chiến lược này vươn dài đến các chiến trường.
 
   
 
 
[1] Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 20, trang 250

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây