Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững ” trên địa bàn huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum
Ths. Phan Văn Sinh - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
2022-10-17T11:04:33+08:00
2022-10-17T11:04:33+08:00
//m88link.cc/vi/news/nghien-cuu-trao-doi/thuc-hien-cuoc-van-dong-lam-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-lam-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vuon-len-thoat-ngheo-ben-vung-tren-dia-ban-huyen-kon-plong-tinh-kon-tum-224.html
//m88link.cc/uploads/news/source/ntm.png
M88 Link
//m88link.cc/uploads/banners/baner-chu-2022.jpg
Thứ hai - 17/10/2022 10:59
Tác giả bài viết: Ths. Phan Văn Sinh - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
Ngày 24/02/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 08-KL/TU về chủ trương triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh. Đây có thể nói là giải pháp đột phá trong khâu tổ chức thực hiện để sớm đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và tạo sự chuyển biến thực sự trên các mặt đời sống, xã hội.
Ngay từ những tháng đầu tiên bắt đầu triển khai cuộc vận động, ban thường vụ huyện ủy Kon Plông đã triển khai cuộc vận động rộng khắp trên địa bàn toàn huyện, với mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời xây dựng các Kế hoạch để triển khai thực hiện cuộc vận động và ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” (gọi tắt là BCĐ cuộc vận động), Ban chỉ đạo đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo và thành lập Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo.
Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức Lễ phát động cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện và ký kết ghi nhớ phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với Chính quyền các cấp. Đồng thời, ban hành văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, các tổ chức cơ sở đảng, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện cuộc vận động.
Để thực hiện cuộc vận động có hiệu quả và làm cơ sở nhân ra diện rộng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 25-KH/HU, ngày 31-3-2021 về thực hiện cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” tại xã điểm Măng Bút”; trong đó thành lập các Tổ công tác (mỗi tổ từ 03-04 đồng chí) do các đồng chí huyện ủy viên hoặc Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện làm tổ trưởng, mỗi tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tại xã Măng Bút trong 01 tuần (từ thứ 2 tuần này đến thứ 2 tuần kế tiếp); thời gian thực hiện từ 01-4-2021 đến 29-8-2021 (gồm các tổ công tác Khối đảng, Khối đoàn thể, Khối hành chính nhà nước), hàng tuần các Tổ công tác có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại xã điểm. Đồng thời, Ban chỉ đạo đã tổ chức sơ kết 3 tháng triển khai cuộc vận động để Đảng ủy các xã, thị trấn học tập và điều chỉnh một số nội dung chỉ tiêu sát với thực tế của địa phương để thực hiện thành công 08 nội dung theo Kế hoạch số 28-KH/HU ngày 14-4-2021 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện.
Nhằm giúp Ban chỉ đạo kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện cuộc vận động trên địa bàn huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quyết định số 375-QĐ/HU, ngày 31-8-2021 về giám sát việc thực hiện Kế hoạch số 28-KH/HU, ngày 14-4-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX về triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Thời gian từ tháng 9-2021 đến 10-2021, đoàn giám sát (bao gồm Ban Dân vận Huyện ủy và các thành viên tổ giúp việc cuộc vận động) đã thực hiện giám sát tại 9/9 xã, thị trấn. Nhìn chung qua công tác giám sát các xã, thị trấn đã chủ động triển khai cuộc vận động tới Nhân dân trên địa bàn, hầu hết Nhân dân trên địa bàn huyện đã được tuyên truyền, hiểu về cuộc vận động, đồng thời tổ chức thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động.
Công tác phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội huyện được thực hiện đồng bộ, các tổ chức chính trị xã hội đã xây dựng kế hoạch hưởng ứng và triển khai thực hiện cuộc vận động lồng ghép trong các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước do cơ quan, đơn vị phụ trách. Phối hợp tham gia khảo sát xây dựng mô hình điểm triển khai cuộc vận động. Phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện ký kết chương trình liên tịch với UBND huyện và các cơ quan có liên quan trong triển khai thực hiện cuộc vận động trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động đến đoàn viên, hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số về cuộc vận động.Thực hiện cấp phát sổ tay tuyên truyền cuộc vận động do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cung cấp… kịp thời đến với các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn. Qua đó giúp Ban Chỉ đạo cuộc vận động chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn, Mặt trận phối hợp thuận lợi với các tổ chức thành viên, truyền đạt nội dung, bám sát địa bàn triển khai đến khu dân cư.
Huyện đã tổ chức tuyên truyền được 143 buổi với 10.610 lượt người tham dự tại 76/76 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện; 82 buổi tuyên truyền bằng xe lưu động và đội chiếu bóng lưu động. Qua các buổi tuyên truyền đã triển khai 10 nội dung ký kết thi đua giữa các thôn về cuộc vận động; hướng dẫn Ban quản lý thôn các bước cần tiếp tục triển khai thực hiện nội dung ký kết thi đua trong từng hộ dân; 100% xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số ban hành kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện CVĐ; 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện được tuyên truyền, phổ biến nội dung cuộc vận động; Có từ 15,7% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; Có 10,47% hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện biết áp dụng khoa học kỷ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư tái sản xuất[1].
Như vậy, qua 01 năm triển khai thực hiện cuộc vận động đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ Việt Nam với chính quyền và các ban, ngành đoàn thể các cấp trong việc triển khai thực hiện, từ đó đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc vận động bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn huyện. Cuộc vận động đã từng bước tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận Nhân dân đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, bỏ dần tư tưởng không muốn thoát nghèo, nhiều gia đình đã tự lực vươn lên bằng chính nội lực của mình; nhiều thôn (làng) thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường; nhiều hộ gia đình đã nhận thức được vai trò quan trọng trong việc nuôi, dạy con cháu, tự nguyện đưa con em trong độ tuổi đến trường; thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Nhiều hộ gia đình đã thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn; biết tiếp thu, học hỏi cái mới, tiến bộ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho sản xuất.
Cuộc vận động đã từng bước đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Những kết quả đạt được của cuộc vận động đã góp phần quan trọng, thiết thực trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội trong quá trình tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn huyện.
Việc tổ chức thực hiện cuộc vận động thể hiện sự đổi mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động giảm nghèo nói chung và giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thay đổi cách thức lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách thức làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình.
Tuy nhiên, cuộc vận động vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai và kết quả thực hiện cuộc vận động: Công tác tuyên truyền, triển khai cuộc vận động có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chưa sâu sát đến thôn, làng; vẫn còn tình trạng cán bộ thôn chưa nắm bắt được nội dung cuộc vận động. Một số địa phương vẫn còn triển khai chung chung, chưa có kế hoạch, phần việc cụ thể; chưa định hướng được những mô hình phát triển kinh tế - xã hội sát với từng thôn, từng địa phương và phù hợp với điều kiện của hộ dân. Một số hộ đồng bào DTTS chưa thay đổi, nếp nghĩ, cách làm, vẫn còn có những thủ tục lạc hậu (đối với những người già) chiếm 89,47%; một số hộ vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Tỉ lệ hộ đồng bào DTTS chưa biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chiếm 89,53%; đời sống tuy đã có cải thiện, tuy nhiên số hộ được cải thiện về đời sống chưa nhiều vẫn còn trên 90%[2] hộ đồng bào DTTS số nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất tinh thần khó khăn. Tại các thôn vẫn còn một số hộ dân chưa thay đổi ý thức, tính kỷ luật trong lao động sản xuất như: chưa chịu khó làm ăn phát triển kinh tế, chưa chủ động chăm sóc cây trồng, vật nuôi, vẫn còn một số trường hợp cá biệt lười lao động hoặc hay uống rượu; số lượng người tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài cũng như ở các công ty, doanh nghiệp, hộ cá nhân chưa nhiều. Việc ăn, uống, ở hợp vệ sinh của một số hộ dân vẫn chưa đảm bảo (vẫn còn để xảy ra ngộ độc do sử dụng mắm dố tại xã Măng Cành vào tháng 02-2022), chưa trở thành việc làm định kỳ và thường xuyên trong mỗi cá nhân và hộ gia đình; khát vọng vươn lên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu của một số hộ dân vẫn còn hạn chế. Vẫn còn nhiều hộ dân chưa mạnh dạn vay các nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm nhà ở,...; chưa có nhiều hộ dám tự sử dụng kinh phí tự có để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi hình thức sản xuất hiệu quả, số hộ đồng bào DTTS tộc thiểu số nghèo, cận nghèo tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện dưới 5%; số lượng sản phẩm đạt chất lượng cung ứng ra thị trường chưa nhiều.
Ngoài những nguyên nhân khách quan về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, về nhận thức, trình độ dân trí, về phong tục tập quán, diễn biến phức tạp của đại dịch COVD-19, v.v... thì nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân cơ bản, cụ thể:
Sự phối hợp giữa Mặt trận và chính quyền và các ban ngành đoàn thể một số nơi còn thiếu tính đồng bộ. Chưa có sự phối hợp với các đoàn thể trong việc khảo sát, nắm bắt điều kiện thực tế của hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số để có nội dung, biện pháp tham mưu hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ cụ thể; chưa vận dụng kết hợp được sự hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước với các tổ chức, cá nhân trong thực hiện nên hiệu quả đạt được chưa cao. Tính ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước trong một bộ phận Nhân dân vẫn còn; trách nhiệm và tính tự giác trong làm ăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của một bộ phận Nhân dân chưa cao, nhất là trong việc triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư…
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, khắc phục những tồn tại hạn chế trong triển khai thực hiện cuộc vận động thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tin, không nghe lời kẻ xấu xúi dục, nhất là đối với những người theo đạo trái pháp luật; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo. Tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia vay các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đồng thời tăng cường kiểm tra, kết hợp với hướng dẫn Nhân dân sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả; tập trung tu sửa, làm mới chuồng trại để bảo vệ đàn gia súc trong mùa mưa, rét, nhất là thời điểm cuối năm; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; củng cố, kiện toàn hoạt động của các HTX. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; cụ thể hóa nội dung cuộc vận động gắn với việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các phong trào, các cuộc vận động của các đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì nhằm tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia thực hiện cuộc vận động.
Thứ hai, vận động người dân thay đổi ý thức, tính kỷ luật trong lao động, sản xuất, thúc đẩy tính cần cù, chịu khó làm ăn; mạnh dan đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng và tham gia vào các mô hình sản xuất, các tổ hợp tác; tổ chức cho người dân đi tham quan học hỏi từ những cách làm hiệu quả. Việc thay đổi cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được thực hiện với phương châm: hành động tạo thói quen, thói quen hình thành nếp nghĩ, chúng ta phải thay đổi cách làm, cách triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách kiên trì, kiên quyết với phương pháp: “mưa dầm thấm lâu”; tạo được kết quả (từ dễ đến khó, từ cầm tay chỉ việc đến hội nghị đầu bờ…); tạo được sự lan tỏa và phong trào rộng khắp (chú trọng xây dựng mô hình, điển hình; thu hút được sự tham gia của già làng, trưởng thôn, người có uy tín); tạo sự thi đua, phấn đấu việc thay đổi cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được triển khai thực hiện đều khắp trên các mặt đời sống xã hội.
Thứ ba, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên cơ sở, khu dân cư; các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất; các cá nhân uy tín, người tiêu biểu trong cộng đồng là lực lượng xung kích, đầu tàu trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động. Trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền, hướng dẫn, vận động, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỷ năng, kiến thức cho người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo biết tự vươn lên thoát nghèo bền vững, biết phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội.
Thứ tư, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể của cấp xã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện ăn, uống, ở phải hợp vệ sinh; đưa việc quét, dọn nhà cửa, vệ sinh đường làng trở thành thói quen hằng ngày trong mỗi hộ dân; mỗi nhà đều phải xây dựng được hố xí hợp vệ sinh; ngủ phải có giường, chiếu, chăn, mền; thực hiện việc ăn chín, uống sôi; không làm, không sử dụng mắm dố; trong thôn, làng không có tình trạng người dân thả rông gia súc làm ảnh hưởng đến môi trường cũng như đến hoa màu của người dân; xây dựng lò đốt rác tại các điểm dân cư để xử lý rác thải thông thường.
Thứ năm, Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền về những thành quả đã đạt được của đất nước, của tỉnh, của huyện và của cấp xã, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào nhằm khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện Kon PLông đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong triển khai thực hiện. Từ đó đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện, nhất là đồng bào DTTS, góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, từng bước xóa bỏ các hủ tục, thay đổi cách thức lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách thức làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình. Từ đó sẽ tạo ra sức lan toả đối cuộc vận động trở thành công việc thường xuyên và tất yếu đối với đồng bào DTTS để vươn lên thoát nghèo bền vững, từ đó góp phần thực hiện thành công nhiêm vụ mà nghị quyết tỉnh đảng bộ lần thứ VI đã đề ra./.
Tài liệu tham khảo:
[1],[2] Báo cáo sơ kết 01 năm thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, của Ban chỉ đạo cuộc vận động huyện KonPLông
[3] Văn kiên đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021-2025.
[4] Kế hoạch số 28-KH/HU, ngày 14-4-2021 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Kon Plông về thực hiên Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24-02-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai cuộc vận động “ Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”