M88 Link: Trang Chủ

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum

Thứ năm - 03/11/2022 10:52

Tác giả bài viết: Ths. Phan Văn Sinh - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

 Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá đa dạng trong thống nhất; trong đó, văn hoá cổ truyền các dân tộc Tây Nguyên là một trong những bộ phận cấu thành rất quan trọng. Đặc biệt, nổi trội với nhà Rông là một trong những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, một di sản văn hóa có giá trị đặc biệt trong kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia, vấn đề bảo tồn các giá trị văn hoá, bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc đang là vấn đề thời sự. Giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy những giá trị văn hóa trong thời đại ngày nay có một tầm quan trọng đặc biệt và ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy, khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đy sự phát triển kinh tế, xã hội.
      Trên cơ sở những chính sách, đường lối về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản nói chung của Đảng và Nhà nước; Tỉnh ủy Kon Tum khóa XVI đã ban hành Chương trình số 03-CTr/TU ngày 12/11/2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 với 19 chương trình chuyên đề mang tính trọng tâm, đột phá của tỉnh, trong đó có nội dung bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.
      Trên cơ sở đó, ngày 31/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3113/KH-UBND về “Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà Rông truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025” nhằm bảo tồn và phát huy một cách đồng bộ giá trị văn hóa nhà Rông truyền thống của 6/7 DTTS tỉnh Kon Tum, đáp ứng yêu cầu “di sản văn hoá vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội”, góp phần phát triển bền vững văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh.
      Thực hiện kế hoạch của tỉnh, huyện Kon Rẫy triển khai cụ thể hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn. Hội đồng nhân dân huyện đã ban hành Nghị quyết số 11/2015/NQ-HĐND, ngày 18/12/2015 về việc thông qua Đề án phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Kon Rẫy giai đoạn 2015-2020; Ngày 15/5/2021, UBND huyện đã ban hành kế hoạch số 114/KH-UBND về bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà Rông truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025.
      Giá trị văn hóa gắn liền với nhà Rông không chỉ có kiểu kiến trúc độc đáo, nhà Rông trên địa bàn còn lưu trữ một số hiện vật có vai trò giống thần bản mệnh của dân làng như hòn đá, con dao, sừng trâu, cồng, chiêng,… bà con sử dụng nhà Rông làm không gian sinh hoạt chung của cả cộng đồng, là nơi tổ chức lễ hội hay các lễ cúng thường niên và không thường niên.  Trong những năm gần đây, văn hóa lễ hội truyền thống của các DTTS gắn liền với nhà Rông đang được phục hồi và phát huy tác dụng làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân như: Lễ hội Ăn trâu, Lễ hội ăn lúa mới, Lễ Et đông, Lễ cúng máng nước...Đây là cũng là nơi diễn ra toàn bộ sinh hoạt cộng đồng của thôn làng, là nơi để các nghệ nhân già truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống như cồng chiêng, múa xoang, nghề truyền thống…
      Hiện nay theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Kon Rẫy, tính đến tháng 6/2021, toàn huyện Kon Rẫy có 44 nhà Rông tại 39 thôn làng DTTS, còn 02 thôn làng DTTS chưa có nhà Rông (01 thôn làng chưa xây dựng, 01 nhà Rông bị cháy vào đầu năm 2021). Hầu hết các nhà Rông trên địa bàn huyện được xây dựng theo đúng tinh thần, bản sắc văn hóa nhà Rông đặc trưng của dân tộc và của từng làng. Các nhà Rông là một tác phẩm nghệ thuật lớn bao gồm điêu khắc, hội họa, trang trí,… Đa số làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có, tại chỗ như gỗ, tranh, tre, nứa, lá... để xây dựng nhà Rông đảm bảo kiến trúc truyền thống của dân tộc; rất ít nhà Rông có sử dụng thêm vật liệu hiện đại như trụ bê tông, sắt, thép… để xây dựng (chỉ có 02 nhà Rông tại thôn 12, làng Kon SMôn của xã Đăk Ruồng và thôn Trăng Nó - Kon Blo của xã Đăk Kôi)(1). Theo đánh giá chung toàn tỉnh Kon Tum, huyện Kon Rẫy là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ số làng đồng bào DTTS nhà Rông lớn nhất (hiện nay tỷ lệ là 95,12%; có thôn làng có 02 nhà Rông)(2). Việc quản lý, khai thác, sử dụng nhà Rông và trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại nhà Rông trên địa bàn huyện hầu hết được thực hiện theo nguyên tắc tự quản, phù hợp với phong tục tập quán, hương ước, quy ước của từng làng, không trái với pháp luật. Bên cạnh đó, với vai trò là một thiết chế văn hóa theo các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước và theo hương ước, quy ước của làng, việc sử dụng nhà Rông trên địa bàn huyện nhìn chung luôn đảm bảo phù hợp với yếu tố truyền thống dân tộc mình, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa mới, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời đảm bảo các quy định của chính quyền các cấp về thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn, làng. Nhà Rông là nơi tổ chức lễ hội cổ truyền của địa phương, các hoạt động tín ngưỡng dân gian, các hoạt động hội họp, sinh hoạt, tiếp khách đến làm việc...; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện chính trị - xã hội theo quy định.
      Thời gian qua, huyện đã thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà Rông với nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí trên 330 triệu đồng; các địa phương như xã Đăk Tờ Re, Đăk Tơ Lung… đã linh hoạt thực hiện hỗ trợ bà con với định mức xây mới 70 triệu đồng/nhà, sửa chữa 20 triệu đồng/nhà, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2016 đến nay, đã xây dựng mới thêm 03 ngôi nhà Rông (cho thôn làng DTTS chưa có nhà Rông và bị cháy); nâng cấp và sửa chữa 06 ngôi nhà Rông bị hư hỏng, xuống cấp(3). Chính quyền các cấp trong huyện và ngành Văn hóa – Thông tin cũng đã cùng với các cơ quan, ban ngành, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở từng bước có sự phối hợp trong thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nhà Rông truyền thống; nhiều giá trị văn hóa các DTTS gắn liền với nhà Rông được sưu tầm, gìn giữ, phục dựng, qua đó phổ biến giáo dục rộng rãi cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhận thức rõ về giá trị di sản văn hóa của dân tộc này. Huyện đã vận động các già làng, các nghệ nhân cao tuổi tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa truyền thống tại nhà Rông như: dạy các nghề truyền thống (đan lát, tạc tượng, làm gốm, làm rượu cần...), hát kể trường ca, dạy đánh cồng, chiêng, múa xoang, đàn, hát dân ca… nhằm lưu truyền cho thế hệ sau, đồng thời nâng cao lòng tự tôn của dân tộc. Qua quá trình xây dựng, tại các xã, thị trấn đều có đội văn nghệ văn nghệ cấp mình; trong các làng đồng bào DTTS đều có đội nghệ nhân của làng (cồng chiêng, múa xoang). Toàn huyện có 07 nghệ nhân thuộc các lĩnh vực được Nhà nước công nhận nghệ nhân ưu tú; có 13 hồ sơ đang được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trên các lĩnh vực. Đây chính là nguồn nhân lực quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa gắn liền với nhà Rông các dân tộc huyện Kon Rẫy. Theo kế hoạch đề ra, huyện cũng đã tổ chức được 12 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho 384 thanh, thiếu niên là đồng bào DTTS tại các thôn làng trên địa bàn toàn huyện. Trong quá trình tổ chức lớp học truyền dạy kiến thức, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, múa xoang đã phát huy được tài năng, trí tuệ của những nghệ nhân ưu tú là người đồng bào DTTS tại chỗ, nhất là những nghệ nhân đã được Nhà nước công nhận là nghệ nhân ưu tú. Huyện cũng đã hỗ trợ mua sắm và cấp mới 02 bộ cồng chiêng cho 02 thôn, làng đồng bào DTTS; nâng tổng số cồng, chiêng trên địa bàn huyện lên 142 bộ(4). Mặt khác, huyện cũng đã đẩy mạnh vận động đồng bào khôi phục, duy trì những lễ, hội cộng đồng; những sinh hoạt văn hóa truyền thống có giá trị, mang tính nhân văn tại nhà Rông, như: Lễ hội đâm trâu, Lễ hội ăn lúa mới, Lễ hội ăn con dúi (lễ Et Đông), Lễ hội bắn trâu bằng ná, Lễ cúng máng nước...(5)
      Huyện đã phối hợp để xây dựng Hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc các di sản có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp đề nghị ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, ngày 31/5/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định công nhận Lễ Et Đông của nhóm Giơ Lâng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Có thể nhận định, đến nay việc khôi phục nhà Rông truyền thống của huyện Kon Rẫy đã phát triển rất mạnh mẽ, đồng bào yêu quý ngôi nhà Rông do công sức dân làng tạo dựng nên, và cũng không “tẩy chay” các hoạt động văn hóa mới tại nhà Rông của làng, đây chính là hướng đi đúng của huyện nhà. Tức là để người dân “thổi hồn” vào công trình mà họ đổ mồ hôi, công sức xây dựng nên và ngành văn hóa cũng dựa vào đó mà đưa các nội dung sinh hoạt văn hóa nhà Rông phù hợp với hoàn cảnh mới, điều kiện mới. Đồng thời huyện Kon Rẫy xác định việc khai thác nguyên, vật liệu xây dựng, sửa chữa nhà Rông phải do chính cộng đồng các dân tộc triển khai dưới sự quản lý của cấp chính quyền, ngành chức năng liên quan, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để khai thác lâm sản rừng sai quy định. Ngoài ra, công tác phòng, chống cháy rừng luôn được ngành chức năng, chính quyền các xã, thị trấn và chủ rừng đứng chân trên địa bàn huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm mỗi khi bước vào mùa khô.

Tuy nhiên, việc khôi phục, xây dựng, sửa chữa nhà Rông truyền thống các DTTS  trên địa bàn huyên thời gian qua vẫn còn không ít hạn chế, bất cập: một số ít nhà Rông không giữ được kiến trúc nhà Rông truyền thống và có xu hướng tăng tính hiện đại, giảm ít nhiều tính thẩm mỹ và giá trị truyền thống của nhà Rông trong đời sống người dân (kết cấu và trang trí nhà Rông có sự thay đổi nhất định so với truyền thống; xây dựng ngoài sử dụng vật liệu gỗ, tranh, tre, nứa, lá theo đúng nguyên mẫu còn sử dụng các vật liệu hiện đại như bê tông, sắt, thép…); vẫn còn 02 thôn làng/41 thôn làng đồng bào DTTS chưa có nhà Rông truyền thống (chiếm tỷ lệ 4,88%); một số nhà Rông đã bị hư hỏng, xuống cấp chưa được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng lại (còn 05 ngôi nhà Rông). Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa truyền thống của nhà Rông đang ít nhiều dần bị mai một, biến đổi; các giá trị của nhà Rông vẫn chưa phát huy được hết hiệu quả. Một bộ phận nhỏ đồng bào chưa thật sự quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà Rông - công trình kiến trúc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Vai trò của lực lượng cốt cán, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, các nghệ nhân chưa được phát huy đúng mức. Lực lượng nghệ nhân dân gian giỏi, nhiệt huyết với văn hóa truyền thống ngày càng ít, thiếu đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận. 

      Việc xây dựng triển khai các văn bản chỉ đạo, triển khai khôi phục, xây dựng, sửa chữa nhà Rông truyền thống vẫn còn chung chung, thiếu biện pháp và phân công cụ thể; giao trách nhiệm chính là ngành văn hoá nhưng kinh phí thực hiện thì hạn chế, khó khăn. Cán bộ làm công tác văn hoá còn ít, một số ít cán bộ làm công tác lĩnh vực văn hoá truyền thống không có chuyên môn, kiến thức về văn hóa đồng bào DTTS tại chỗ nói chung và văn hóa nhà Rông nói riêng. Sự phối kết hợp của các ban ngành liên quan tại địa phương chưa cụ thể, vẫn còn chung chung, có lúc có nơi chưa chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao. Cơ chế thu hút đầu tư phát triển du lịch gắn với công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống các DTTS tuy được quan tâm thực hiện nhưng hiệu quả mang lại thật sự không cao…
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nhà Rông truyền thống với phương thức ban hành các văn bản chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, xâm hại, hủy hoại giá trị văn hóa nhà Rông truyền thống.
      Thứ hai, cần đẩy mạnh đổi mới nội dung và hình thức các hoạt động tuyên truyền quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa cũng như về ý nghĩa, yêu cầu của công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống các DTTS trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đảm bảo rộng khắp, đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân; tạo sự đồng thuận, đoàn kết, nâng cao hiệu quả trong hoạt động công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống các DTTS.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống các DTTS gắn với việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Cần chủ động và sáng tạo trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về văn hóa từ huyện đến cơ sở; xác định rõ thẩm quyền quản lý nhà Rông, tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Đây là giải pháp cụ thể với nhiều nội dung cần chú trọng giải quyết, như: Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quản lý hành chính nhà nước về công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống các DTTS; Tiến hành khảo sát, kiểm kê, nghiên cứu, đánh giá lại toàn bộ các nhà Rông trên địa bàn huyện; Lập quy hoạch nhà Rông gắn với du lịch phù hợp, cần đề ra kế hoạch theo mốc thời gian cụ thể, với tầm nhìn chiến lược, có kế hoạch bảo vệ trước khi được khai thác; kết hợp du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái cộng đồng với các hoạt động chủ yếu như tổ chức thường niên các lễ hội, giới thiệu với du khách đến tham quan; Các nhà Rông bị xuống cấp, hư hỏng cần có kế hoạch phục hồi, sửa chữa, xây dựng lại... 
      Thứ tư, thời gian tới, trên cơ sở chỉ đạo, định hướng của Trung ương, tỉnh; huyện Kon Rẫy cần tiếp tục rà soát và xây dựng, ban hành các đề án, dự án liên quan đến công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống các DTTS. Tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa nhà Rông nói riêng theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài; đặc biệt trong điều kiện hiện nay, cần có các chính sách cụ thể, đặc thù để thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội hóa đối với các hoạt động bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống. Ngoài ra, cần có cơ chế cụ thể, phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho Nhân dân các thôn, làng khai thác nguồn nguyên liệu, vật liệu tại chỗ để xây dựng, sửa chữa nhà Rông nhằm đảm bảo kiến trúc truyền thống.
Huyện cần quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nhà Rông, lồng ghép thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư ở địa phương; vận động các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện hỗ trợ, đóng góp...
Thứ năm, về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn liền với nhà Rông; vận động đồng bào các DTTS tại chỗ bảo lưu, tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống.
Cần khôi phục, duy trì thực hành các hoạt động văn hóa truyền thống (tổ chức các lễ hội truyền thống tiêu biểu; hoạt động trao truyền về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nhạc cụ truyền thống, dân ca, dân vũ, sử thi....), phong tục tập quán tốt đẹp liên quan đến nhà Rông nhằm nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc cũng như văn hóa nhà Rông. Thành lập các Câu lạc bộ văn hóa dân gian, đội văn nghệ dân gian, đảm bảo mỗi thôn, làng đều có đội văn nghệ dân gian… Nghiên cứu, từng bước đưa văn hóa nhà Rông truyền thống các DTTS tại chỗ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách…
      Thứ sáu, về phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ công tác bảo tồn nhà Rông truyền thống các DTTS tại chỗ. Tổ chức lựa chọn và khoanh vùng để phát triển nguồn nguyên vật liệu truyền thống (nhất là cỏ tranh, dây mây...) gắn liền với công tác bảo vệ và phát triển rừng; đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững đáp ứng nhu cầu cho việc sửa chữa nhà Rông khi bị xuống cấp, hư hỏng. Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan, các cấp chính quyền địa phương và toàn dân trong việc xây dựng, gìn giữ, phát triển nguồn nguyên liệu truyền thống.

Thứ bảy,  đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, ghi chép tài liệu chính là cơ sở đầu tiên, quan trọng nhất tạo tiền đề phục vụ công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện. Công tác nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa nhà Rông các DTTS cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương với chính người đồng bào DTTS.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1](1)(2)(3) Ủy ban nhân dân huyện Kon Rẫy (2021), Báo cáo công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 – 2021, Kon Rẫy.
[2](4) Ủy ban nhân dân huyện Kon Rẫy (2020), Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020”, Kon Rẫy.
[3](5) Ủy ban nhân dân huyện Kon Rẫy (2020), Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội” trên địa bàn huyện Kon Rẫy, Kon Rẫy.
[4] Ủy ban nhân dân huyện Kon Rẫy (2015), Đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Kon Rẫy, giai đoạn 2015-2020, Kon Rẫy.
[5] Ủy ban nhân dân huyện Kon Rẫy (2021), Kế hoạch bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà Rông truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025, Kon Rẫy.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây